Theo phản ánh thời quan qua, thuê bao di động chính chủ đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của doanh nghiệp viễn thông nhưng quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng, vẫn còn nhiều tin nhắn rác, những cuộc gọi với nội dung lừa đảo, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.
Trên cơ sở phản ánh, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông, Cục ATTT), các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.
Theo báo cáo của Công ty Hiya là 1 công ty chuyên về phần mềm khảo sát, cảnh báo cuộc gọi không mong muốn có trụ sở ở Mỹ và Anh, khảo sát trong Quý 4/2022, trung bình một ngày hệ thống của Hiya trên toàn cầu đã ghi nhận 82 triệu cuộc gọi bị phản ánh là cuộc gọi rác/cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là vấn nạn toàn cầu.
Để có biện pháp hữu hiệu hơn nữa đối với các nhà mạng trong việc quản lý sử dụng sim, số điện thoại, đồng thời xử lý hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo, giả danh, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Dân cư nhằm chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm.
Cụ thể: từ tháng 5 đến tháng 8/2023, trên cơ sở kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về Dân cư và xử lý tập thuê bao đứng tên nhiều SIM, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành chuẩn hoá, xử lý hơn 19,6 triệu SIM thuê bao, bao gồm hơn 7,1 triệu thực hiện chuẩn hóa; xử lý (khoá 1 chiều, 2 chiều, thu hồi) hơn 12,5 triệu. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) vào tháng 8/2022 cam kết cùng thực hiện loại bỏ SIM rác tồn kênh (đến nay đã thu hồi được 265.000 số, tương đương 26.500 số/tháng) và xử lý các thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác (đến nay đã thu hồi được 290.000 số, tương đương 29.000 số/tháng).
Theo dõi, giám sát tình trạng cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn).
Thực hiện giải pháp Danh sách không quảng cáo: Người dân đăng ký từ chối nhận quảng cáo nếu không có nhu cầu. Hiện hệ thống có hơn 440 nghìn thuê bao đăng ký (https://khongquangcao.ais.gov....)
Trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thúc đẩy tăng cường triển khai Định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về Dân cư từ đó rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao; Triển khai các biện pháp (thông báo, nhắn tin, tổ chức làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ) bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng.
Tiếp tục điều phối các lực lượng trong ngành Thông tin và Truyền thông phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác.
Triển khai một số cuộc thanh tra chuyên đề về đảm bảo an toàn thông tin người dùng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý thông tin người dùng số lượng lớn như: doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng,… các doanh nghiệp kinh doanh bằng phương thức gọi điện bán hàng (telesale), các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi có thu thập thông tin người dùng nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng thu thập, sử dụng, xử lý dữ liệu người dùng không đúng pháp luật.
Với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý.