Ảnh minh họa |
Chia sẻ thêm với Báo Phụ nữ TPHCM, thạc sĩ Lê Trường An bày tỏ: “Hiện tượng đám cưới nhanh, tan vỡ cũng nhanh khá phổ biến trong các cặp đôi trẻ ngày nay. Lý do có nhiều. Đó có thể là do các đôi “yêu vội”, nên chỉ mới thấy nhau qua mạng xã hội, cảm xúc ở ngoại hình đẹp (đôi khi được “tút” lại nhờ công nghệ, app chụp hình, trang điểm) rồi tiến đến với nhau quá nhanh.
Cái nhanh của những cặp đôi trẻ còn ở chỗ dễ đi đến quan hệ tình dục trước hôn nhân, trong khi kỹ năng phòng tránh thai hay chịu trách nhiệm với hậu quả của việc đó (có thai ngoài ý muốn) chưa có. Khi đó, các bạn cấp tập cưới xin để giải quyết việc đã lỡ, hay nói theo dân gian là “bác sĩ bảo phải cưới” chứ không phải vì yêu hay đến lúc chín muồi cần cưới.
Thạc sĩ Lê Trường An - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Một cuộc hôn nhân mà “phải cưới” chứ không phải đủ độ chín để cưới trong niềm hoan hỉ của 2 bên gia đình và chính 2 người hôn phối thì thường khó bền. Thêm nữa, các đôi ngày nay sống khá thoáng nên việc ngoại tình cũng dễ xảy ra. Có thể thấy, không ít cặp đôi rơi vào cảnh sớm nở tối tàn.
Lối sống phóng túng cùng nhiều cơ hội gặp gỡ bạn tình, từ chốn công sở, các điểm ăn chơi, cho đến trên mạng đã xô ngã đời sống hôn nhân vốn cần nhất sự chung thủy.
Quan sát thực tế, tôi còn thấy, kỹ năng xử lý khủng hoảng trong tình yêu - hôn nhân của người trẻ hiện khá bất ổn. Họ chưa biết cách lắng nghe, để hiểu và thương sâu, thương đúng đối tượng mình thương nên dễ đến, dễ đi. Thiếu gắn kết đồng nghĩa với việc thiếu cảm thông, thiếu chia sẻ do không thể cùng nhau nỗ lực vượt qua những bất đồng trong lối sống.
Bạo lực lên ngôi (cả bạo lực thân thể, lời nói, kinh tế, tinh thần) cũng do không đủ thương, không đủ hiểu và ích kỷ cá nhân. Những ứng xử không khéo trong những mâu thuẫn nhỏ giữa các cặp đôi khiến “đám cháy” trong mối quan hệ bùng lên, cho đến lúc mất kiểm soát và thiêu rụi chính họ và cả mối quan hệ mà họ đã từng gắn bó, xây dựng”.
Phóng viên: Theo anh phân tích, có thể thấy rõ đổ vỡ hôn nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và thương yêu. Đây thực sự là vấn đề đáng suy nghĩ. Vậy theo anh, những cặp đôi cần làm gì để có thể có một cuộc sống hôn nhân vững bền hơn?
Thạc sĩ Lê Trường An: Họ phải chậm lại một chút để có thể học cách yêu thương đúng đắn. Hãy xem tình yêu và hôn nhân là một cuộc “đầu tư” lớn, đúng nghĩa cả trên phương diện vật chất, tinh thần, không chỉ cho mình mà cho cả người trong cuộc (người hôn phối, con cái, cha mẹ, dòng tộc 2 bên).
Ngày xưa, thời ông bà mình, các cụ sống nêu cao phẩm chất trọng tình, trọng nghĩa, biết trước biết sau, biết trên biết dưới… Điều đó trở thành lối sống, là sợi dây kết nối, ràng buộc nhau để mỗi người cẩn trọng trong mọi lựa chọn.
Tất nhiên, khi bắt đầu yêu, quyết định cưới, chắc không ai mong hay nghĩ rằng cuộc tình đó, hôn nhân ấy sẽ chóng tàn. Song, vì không chuẩn bị trước những phát sinh vốn dĩ trong đời sống lứa đôi nên các bạn trẻ nhanh chóng thất vọng.
Theo đó, từ thất vọng vào người yêu lung linh trên mạng, nay thành vợ hoặc chồng mình lại không được chỉn chu, tươm tất, bừa bộn, cư xử thô lỗ, ích kỷ…
Tất cả, lẽ ra nên cần được hiểu và thương để chấp nhận hoặc thẳng thắn/khéo léo góp ý, chia sẻ để sửa đổi thì lại thành nguyên nhân để cãi cọ, chì chiết, thậm chí bêu riếu nhau trên mạng xã hội.
Trở lại với vấn đề làm sao để có một cuộc hôn nhân bền vững hơn, mỗi người cần phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng, trong đó có việc lắng nghe, thông hiểu, lường trước những sự cố để có ứng phó phù hợp, kiên nhẫn và chân thành…
Tôi nghĩ, một khóa học tiền hôn nhân cho các cặp đôi cũng là cách giúp các bạn biết cách làm dâu, làm rể, làm mẹ, làm cha… khi chính thức bước vào cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân thực tế không là màu hồng, nhưng cũng không đến mức tối tăm để bạn phải quá lo lắng, sợ hãi.
Đồng thời, điều này quan trọng: mỗi người, khi xác định tiến đến hôn nhân, cần tôn trọng người hôn phối và tổ ấm của mình. Đó chính là tôn trọng đời sống một vợ một chồng, chung thủy. Chỉ có sự liêm chính này mới giúp các cặp đôi có niềm tin vững chắc vào nhau và vào hôn nhân mà mình đang cùng xây dựng. Từ đó, có thể bước qua mọi khó khăn, thử thách, như ông bà mình dạy là “Đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn”.
* Nếu như hôn nhân không hạnh phúc, buộc phải lựa chọn chia tay, theo anh, mỗi người cần làm gì để không gây ra những hệ lụy đáng tiếc?
- Tôi hay nói với các bạn trẻ, các sinh viên của mình rằng: các bạn nên yêu và chia tay văn minh. Nghĩa là, trong tình yêu, hôn nhân, lựa chọn là ở các bạn, tốt hay xấu cũng là một trải nghiệm, một bài học cuộc đời mà mình phải trải qua để trưởng thành hơn chứ không phải để vùi mình vào khổ đau.
Một khi bạn dám yêu và dám chịu trách nhiệm cho tình yêu, hạnh phúc, hôn nhân của mình; khi đó bạn sẽ dám bứt mình ra khỏi một mối quan hệ toxic (độc hại) và học cách cảm ơn những gì đã trải qua, thay vì ân hận, trách cứ bản thân hay đối tượng kia.
Thêm vào đó, khi bạn chuẩn bị cho mình những giá trị cần thiết (kiến thức, đạo đức, lối sống tích cực, tốt đẹp, đúng đắn) thì bạn cũng sẽ không bị lệ thuộc hay dễ dàng gục ngã sau khi đổ vỡ.
Suy cho cùng, cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý. Hãy chuẩn bị kỹ năng, rèn luyện để bản thân không kém cỏi, luôn cứng cỏi để đối mặt và vượt qua mọi thử thách; trong đó, tình yêu và hôn nhân là một trong những thử thách khó nhất. Tôi tâm niệm, nếu ta đã lầm lỡ hoặc vụng về trong khi yêu và trong mối quan hệ với người thương đến mức phải chia tay thì hãy đường hoàng xin lỗi người thương và chính mình, tiếp tục sống tốt hoặc nỗ lực thay đổi để sống tốt hơn.
Đừng vì yêu mà hận, ăn không được thì đạp đổ… Đối xử với nhau bằng tâm sân si như vậy nghĩa là bạn đang nhen lên một mồi lửa mà khi đám cháy bùng lên, chính bạn sẽ là người bị thiêu đốt trước tiên. Văn minh khi yêu, kết hôn, ly hôn là bài học lớn, không bao giờ cũ.
* Xin cảm ơn anh.
Cách đây ít lâu, tôi có đọc một thống kê về ly hôn như sau: 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam có yếu tố bạo lực gia đình và trung bình, cứ 3 vụ ly hôn thì có 1 vụ do ngoại tình. Theo báo cáo của ngành tòa án, trung bình hằng năm, Việt Nam có khoảng 600.000 vụ ly hôn. Trong khi đó, thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% do ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết. Với số liệu này, có thể thấy, hiện tượng tan vỡ hôn nhân vì sự phản bội là rất lớn. Đó là một trong những nguyên nhân chính. Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An |
Lưu Đình Long(thực hiện)