Hội trà Vô Ngã Việt Nam vừa ra mắt hôm 29/3, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, do Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, một kỷ lục gia thế giới, người sở hữu bộ ấm tử sa “Tâm Trà Diệu Bảo” làm chủ tịch.
Theo bà Tâm, Hội trà Vô Ngã là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi ông Thái Vinh Chương vào năm 1990. Suốt hơn 35 năm, Hội trà Vô Ngã đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật thưởng trà, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc đến mọi châu lục.

“Mỗi quốc gia có Hội trà Vô Ngã đều mang trong mình một sứ mệnh riêng. Tại Việt Nam, hội sẽ cùng nhau nuôi dưỡng tinh thần thưởng trà, kết nối những tâm hồn yêu trà và cộng đồng yêu trà trên thế giới đến gần nhau mà không phân biệt biên giới, sắc tộc, tôn giáo...”, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm nói.
Theo bà Thanh Tâm, sự có mặt của Hội trà Vô Ngã là sự đóng góp với các nhiệm vụ như lấy hình thức nghệ thuật “Trà hội Vô Ngã” để bồi dưỡng đời sống tinh thần cho mọi người; xây dựng phẩm chất đạo đức cao quý cho xã hội, tăng cường lợi ích cộng đồng; phát triển văn hoá trà Việt Nam và thúc đẩy giao lưu quốc tế; qua đó thúc đẩy hỗ trợ phát triển ngành trà
Được biết, Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm cũng là Viện trưởng, sáng lập Học viện Trà sư Quốc tế MTG. Bà Thanh Tâm đã được ông Thái Vinh Chương tin cậy và đồng thuận để mở rộng hoạt động Hội trà Vô Ngã tại Việt Nam, với tư cách chủ tịch hội.
Chia sẻ với Việt Báo, bà Ngô Thị Thanh Tâm giải thích tinh thần trong nghệ thuật thưởng trà - là sự buông bỏ chính mình để hòa vào dòng chảy tự nhiên của trà, của thời gian và không gian. Khi người thưởng trà còn đặt mình làm trung tâm (định nghĩa trà theo tiêu chuẩn cá nhân, kỳ vọng hương vị theo ý muốn riêng) thì vẫn còn đó sự chấp ngã, sự trói buộc trong vòng kiềm tỏa của cái tôi.

“Vô ngã không có nghĩa là mất đi bản thân, mà là sự tan hòa, một trạng thái tự do khỏi mọi giới hạn do chính mình đặt ra. Người pha trà không ép buộc trà phô bày hương vị, mà lắng nghe từng lá trà kể câu chuyện của chúng. Người thưởng trà không đi tìm một khoảnh khắc “hoàn hảo” theo ý niệm chủ quan, mà đón nhận từng giọt trà như một biểu hiện chân thực của vạn vật”, bà Tâm nói.
Theo nữ trà sư, khi vô ngã, trà không còn là “vật thể” để đánh giá, và người thưởng trà cũng không còn là “chủ thể” tìm cầu. Chỉ còn lại sự giao hòa, một dòng chảy tự nhiên giữa con người và trà. Chính trong khoảnh khắc ấy, hương vị của tự do hiển lộ: nhẹ nhàng, sâu thẳm, không gượng ép, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Và đó cũng chính là tầm vóc cao nhất của nghệ thuật thưởng trà...