Quân sự thế giới hôm nay (29-11-2024): Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao xe tăng Altay cuối năm sau

29/11/2024 06:25

Quân sự thế giới hôm nay (29-11-2024) gồm những nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao xe tăng Altay cuối năm sau; Argentina đặt mua 3 tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp; Mỹ trang bị hệ thống IFPC cho Lục quân.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao xe tăng Altay cuối năm sau

Theo trang The Defense Post, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yaşar Güler, vừa xác nhận rằng Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu tiếp nhận những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Altay đầu tiên vào cuối năm 2025. Thông báo này cho thấy một bước tiến quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa và trang bị cho quân đội các hệ thống hiện đại, tự chủ.

Altay đại diện cho dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới nhất. Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Altay là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được thiết kế và sản xuất nội địa hóa hoàn toàn. Hiện tại, những chiếc Altay đang trải qua các bài kiểm tra nâng cao về khả năng hoạt động để nghiệm thu trước khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Altay được đánh giá là vượt trội so với các xe tăng có trong biên chế của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, xét cả về công nghệ lẫn hiệu suất. Được trang bị giáp tổng hợp thế hệ mới, mẫu xe tăng này có khả năng phòng vệ vượt trội trước các mối đe dọa như tên lửa chống tăng có điều khiển và thiết bị nổ tự chế.

Ngoài ra, xe tăng Altay còn được trang bị Hệ thống phòng vệ chủ động AKKOR, giúp phát hiện và vô hiệu hóa các loại đạn đang lao tới, đảm bảo phòng thủ toàn diện 360 độ xung quanh xe. Pháo chính của xe có tầm bắn hiệu quả lên tới 8km. Xe được trang bị súng máy 12,7mm và hệ thống điều khiển vũ khí tự động với độ ổn định cao (SARP), do tập đoàn Aselsan – nhà sản xuất thiết bị điện tử quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ – phát triển. Xe tăng Altay có trọng lượng 65 tấn và kíp lái chỉ gồm 4 người.

Dự án sản xuất xe tăng Altay từng bị gián đoạn vào năm 2018 do lệnh cấm vận động cơ từ Đức. Để khắc phục điều này, nhà sản xuất đã thay thế bằng động cơ của Hàn Quốc và tiến hành thử nghiệm kỹ lưỡng. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát triển động cơ nội địa, dự kiến được sản xuất tại cơ sở mới ở khu vực HAB, Ankara, thay cho địa điểm ban đầu ở Sakarya. Hiện nay, việc xây dựng cơ sở này gần như đã hoàn tất, đánh dấu một bước tiến quan trọng để sẵn sàng sản xuất.

Với kế hoạch biên chế xe tăng Altay cho quân đội, Thổ Nhĩ Kỳ đang củng cố vị thế của mình trong số các quốc gia có khả năng phát triển và sản xuất các trang bị, vũ khí, khí tài quân sự tiên tiến, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Argentina đặt mua 3 tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp

Theo tờ La Nacion, Tổng thống Argentina Javier Milei vừa đạt được thỏa thuận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc mua 3 tàu ngầm lớp Scorpène, cùng với 4 tàu tuần tra xa bờ, từ Tập đoàn Naval Group, để trang bị cho lực lượng hải quân.

Với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD, hợp đồng này nhằm khôi phục năng lực tàu ngầm của Argentina, vốn bị suy giảm nghiêm trọng sau thảm kịch tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích năm 2017.

Tàu ngầm lớp Scorpène trong biên chế Hải quân Brazil. Ảnh: Army Recognition

Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri cho biết thỏa thuận này là bước đầu tiên của quá trình đàm phán kéo dài, với thời gian dự kiến hợp đồng được hoàn tất sớm nhất là vào giữa năm sau. Thời gian bàn giao tàu ngầm được tính toán là khoảng sau 5 năm kể từ khi ký kết hợp đồng, và các khoản thanh toán sẽ được thực hiện ngay khi bắt đầu bàn giao.

Tàu ngầm lớp Scorpène có thiết kế dạng module, cho phép tùy chỉnh theo yêu cầu của từng lực lượng hải quân. Chúng được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, có khả năng mang theo 18 ngư lôi hạng nặng, tên lửa chống hạm như SM-39 Exocet, hoặc 30 thủy lôi. Tàu có thể lặn sâu hơn 350m và đạt tốc độ di chuyển dưới nước khoảng 37km/giờ. Thời gian hoạt động liên tục từ 40 đến 50 ngày, tùy thuộc vào phiên bản.

Tàu ngầm lớp Scorpène hiện đang phục vụ trong hải quân của nhiều quốc gia như Chile, Malaysia, Ấn Độ và Brazil. Indonesia được cho là cũng vừa ký hợp đồng đặt hàng hai tàu ngầm Scorpène từ Tập đoàn Naval Group.

Mỹ trang bị hệ thống IFPC Inc 2 cho Lục quân

Lục quân Mỹ vừa ký hợp đồng mua các Hệ thống bảo vệ chống hỏa lực gián tiếp (IFPC) Inc 2 với tổng giá trị 4,1 tỷ USD từ Dynetics, một công ty có trụ sở tại Alabama, Mỹ.

Hợp đồng bao gồm các giai đoạn sản xuất ban đầu ở quy mô thấp, sản xuất toàn phần và các dịch vụ hỗ trợ. Cũng theo đó, Lục quân Mỹ sẽ mua 18 bệ phóng IFPC phiên bản cải tiến với tổng trị giá 204 triệu USD, trong đó 99 triệu USD đã được cấp ngay lập tức cho nhà thầu.

Hệ thống bảo vệ chống hỏa lực gián tiếp (IFPC) Inc 2. Ảnh: TheDefensePost

Theo Thiếu tướng Frank Lozano, Giám đốc điều hành Chương trình Tên lửa và Không gian, hợp đồng này sẽ giúp Lục quân Mỹ nâng cao năng lực phòng thủ, tạo ra các “lưới bảo vệ” chủ động để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

IFPC Inc 2 là một hệ thống vũ khí mặt đất cơ động, được thiết kế để đánh chặn các hệ thống thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình, rocket, pháo và đạn cối. Hệ thống này sẽ được tích hợp với Hệ thống chỉ huy tác chiến của Lục quân Mỹ nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự cố định và bán cố định.

Trước đó, hồi tháng 5-2024, Công ty công nghệ Epirus đã bàn giao 4 hệ thống IFPC sử dụng công nghệ sóng siêu cao tần cho Lục quân Mỹ theo đơn của Lầu Năm Góc.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-11-2024-tho-nhi-ky-nhan-ban-giao-xe-tang-altay-cuoi-nam-sau-804946
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-11-2024-tho-nhi-ky-nhan-ban-giao-xe-tang-altay-cuoi-nam-sau-804946
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (29-11-2024): Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao xe tăng Altay cuối năm sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO