Quân sự thế giới hôm nay (28-6): Nga tập trận tàu ngầm ở Biển Baltic

28/06/2024 06:58

Quân sự thế giới hôm nay (28-6-2024) có những nội dung sau: Nga tập trận tàu ngầm ở Biển Baltic, Hải quân Mỹ tiếp nhận máy bay F/A-18 Block III Super Hornet, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có tàu khu trục mới.

* Nga tập trận tàu ngầm ở Biển Baltic

Theo hãng thông tấn TASS, Hải quân Nga vừa tiến hành cuộc tập trận tàu ngầm có bắn ngư lôi ở Biển Baltic ngày 27-6. Hai tàu ngầm tham gia cuộc tập trận là Novorossiysk và Dmitrov. Thông cáo báo chí của Hải quân Nga cho biết: “Trên Biển Baltic, sau khi thực hiện các bài huấn luyện chống ngầm, thủy thủ đoàn của tàu Novorossiysk đã tiến hành luyện tập tấn công bằng ngư lôi huấn luyện (không mang đầu đạn)”.

Tàu ngầm Novorossiysk của Hải quân Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Cũng theo TASS, các thủy thủ đã luyện tập vòng tránh cuộc tấn công của đối phương và phối hợp chiến đấu. Họ cũng đã luyện tập nội dung phát hiện và theo dõi các tàu ngầm giả định của đối phương.

Novorossiysk và Dmitrov là hai tàu ngầm quan trọng có trong biên chế của Hải quân Nga. Novorossiysk là tàu ngầm được sản xuất theo Dự án 636.3 Varshavyanka (lớp Kilo cải tiến), trong khi Dmitrov thuộc Dự án 877 Paltus (lớp Kilo cũ). Cả hai đều là tàu ngầm diesel-điện tấn công chiến lược nhưng có sự khác biệt đáng kể về kích thước, công nghệ và vũ khí.

Novorossiysk dài khoảng 73,8m, rộng 9,9m, mớn nước 6,2m, có lượng giãn nước khoảng 3.950 tấn khi lặn. Tàu ngầm sử dụng hai máy phát diesel và một động cơ điện, cho phép nó đạt vận tốc 20 hải lý/giờ khi lặn và 17 hải lý/giờ khi chạy trên mặt nước. Tàu thường hoạt động ở độ sâu khoảng 300m so với mặt biển và có khả năng xuống tới độ sâu tối đa là 400m.

Tàu ngầm Dmitrov có chiều dài 72,6m, chiều rộng 9,9m và mớn nước 6,2m. Khi lặn, nó có lượng giãn nước khoảng 3.076 tấn. Con tàu cũng sử dụng hai máy phát diesel và một động cơ điện, cho phép đạt vận tốc 17 hải lý/giờ khi ở dưới nước và 10 hải lý/giờ khi ở trên mặt nước. Nó hoạt động ở độ sâu khoảng 240m và có thể lặn sâu tới 300m.

Novorossiysk được trang bị sonar tiên tiến, bao gồm hệ thống sonar MGK-400EM. Nó cũng có các hệ thống điều hướng và tác chiến hiện đại, giúp nâng cao uy lực trong tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước. Novorossiysk có thể mang theo nhiều loại vũ khí, gồm 18 ngư lôi và tên lửa hành trình Kalibr, được phóng từ sáu ống phóng ngư lôi 533mm. Những tên lửa này mang lại khả năng tấn công mạnh mẽ với các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Tàu ngầm Dmitrov, mặc dù cũ hơn, nhưng cũng được trang bị những vũ khí tối tân. Nó có hệ thống sonar MGK-400 và hệ thống điều hướng tương tự như Novorossiysk. Dmitrov có thể mang 18 ngư lôi, được phóng từ 6 ống phóng ngư lôi 533mm, nhưng không thể phóng tên lửa hành trình như Novorossiysk, điều này hạn chế khả năng đa nhiệm của nó trong tác chiến hiện đại.

* Hải quân Mỹ tiếp nhận máy bay F/A-18 Block III Super Hornet

Hãng sản xuất máy bay Boeing xác nhận đã bàn giao 2 chiếc F/A-18 Super Hornet đầu tiên trong hợp đồng nâng cấp lên chuẩn SLM (Block III) dành cho dòng máy bay tiêm kích F/A-18 trên tàu sân bay mà hãng này đã ký kết với Hải quân Mỹ. Một chiếc được giao trước hạn một tháng từ nhà máy của Boeing ở Saint Louis, và chiếc còn lại được giao trước 2 tháng từ nhà máy ở San Antonio.

Máy bay F/A-18 Block III Super Hornet. Ảnh: Boeing

Gói nâng cấp F/A-18 Super Hornet lên chuẩn SLM (Block III) là một sáng kiến nhằm kéo dài thời gian phục vụ của dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm này, đồng thời tích hợp các cải tiến công nghệ mới nhất. Những chiếc máy bay F/A-18 Block III Super Hornet mới sẽ có hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến, hệ thống thông tin liên lạc được nâng cấp, và có khả năng sống sót cao hơn trong thực chiến. Mục tiêu của chương trình là giúp cho máy bay F/A-18 Super Hornet có khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ, đồng thời kéo dài thời gian phục vụ của chúng. Quá trình nâng cấp bao gồm một loạt các đợt đại tu và cài đặt hệ thống mới, không chỉ giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu mà còn phục vụ cho công tác bảo trì và quản lý máy bay.

Máy bay F/A-18 Block III Super Hornet có khả năng thực hiện một loạt các nhiệm vụ chiến thuật như tạo ưu thế trên không, tấn công chính xác ban ngày và ban đêm, hộ tống, hỗ trợ chiến đấu, chế áp hệ thống phòng không đối phương, đối hải, trinh sát, và hỗ trợ nhiệm vụ tiếp nhiên liệu. Với tốc độ bay tối đa Mach 1.6 và khả năng mang theo tới 9.900 lbs (gần 4,5 tấn) vũ khí cho biến thể F/A-18E và 9.000 lbs (gần 4,1 tấn) vũ khí cho biến thể F/A-18F, được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), cùng nhiều công nghệ hiện đại khác, F/A-18 Block III Super Hornet được kỳ vọng sẽ tiếp tục là vũ khí tiên tiến và hiệu quả nhất của lực lượng không quân, hải quân Mỹ trong nhiều năm tới.

* Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có tàu khu trục mới

Công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản vừa hạ thủy tàu khu trục thứ 9 thuộc lớp Mogami của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Lớp tàu khu trục này được thiết kế cho các nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, và sẽ hoạt động ở trên các vùng biển của Nhật Bản.

Một chiếc tàu khu trục thuộc lớp Mogami của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Mitsubishi Heavy Industries

Chiếc tàu khu trục này còn có tên gọi là JS Natori. Đây là chiếc thứ 9 trong loạt 12 chiếc tàu khu trục lớp Mogami được sản xuất nhằm thay thế đội tàu khu trục lớp Abukuma đã cũ, vốn đã được sử dụng từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Chiếc tàu đầu tiên của lớp này, JS Mogami, đã được đưa vào hoạt động vào tháng 4-2022, tiếp theo sau đó là JS Kumano vào tháng 3-2022.

JS Natori có chiều dài 132m, chiều rộng 16m, và tải trọng toàn phần là 5.500 tấn. Tàu được trang bị hệ thống động cơ diesel và khí đốt kết hợp (CODAG), bao gồm hai động cơ diesel MAN 12V28/33D STC và một tua bin khí Rolls-Royce MT30, cho phép đạt vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ và chở được tới 90 thủy thủ. Vũ khí chính của tàu khu trục lớp Mogami bao gồm một pháo hạm cỡ nòng 127mm của BAE Systems, hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho tên lửa đất đối không tầm trung Type 03, và hai bệ phóng tên lửa chống hạm. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng có kế hoạch trang bị cho các tàu khu trục lớp Mogami một biến thể của tên lửa Type 12 để tăng cường khả năng tấn công tầm xa.

Tàu khu trục JS Natori có chi phí đóng mới khoảng 51,4 tỷ yên (322 triệu USD) theo hợp đồng được ký kết vào tháng 3-2023. JS Natori hiện đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và đưa vào hoạt động cuối năm 2025.

TRUNG THÀNH(Tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-28-6-nga-tap-tran-tau-ngam-o-bien-baltic-783029
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-28-6-nga-tap-tran-tau-ngam-o-bien-baltic-783029
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (28-6): Nga tập trận tàu ngầm ở Biển Baltic
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO