Quân sự thế giới hôm nay (25-4): Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M tới sát Phần Lan

25/04/2024 06:50

Quân sự thế giới hôm nay (25-4-2024) có những thông tin sau: Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M tới sát biên giới với Phần Lan, Hy Lạp sẽ không chuyển giao cả S-300 lẫn Patriot cho Ukraine? Ấn Độ thử biến thể tên lửa đạn đạo tầm trung và áo chống đạn mới.

* Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M tới sát biên giới với Phần Lan

Ngày 24-4, truyền thông nhà nước Nga đưa tin quân đội nước này đã triển khai hệ thống tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới sát biên giới với Phần Lan. Đây được coi là động thái “phản ứng tức thời và phù hợp” đối với việc Phần Lan gia nhập NATO.

Truyền thông Nga cũng đưa tin lữ đoàn tên lửa mới thành lập thuộc Quân khu Leningrad đã được biên chế hệ thống tên lửa Iskander-M. Theo Izvestia, tờ báo có nguồn tin cao sâu với Kremlin, tên lửa Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, và những hệ thống này đã được triển khai ở Cộng hòa Karelia giáp với biên giới Phần Lan.

Việc Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M tới sát biên giới với Phần Lan được coi là động thái “phản ứng tức thời và phù hợp” đối với việc Phần Lan gia nhập NATO. Ảnh: Getty Images

Đô đốc Vladimir Valuev, cựu chỉ huy Hạm đội Baltic, cho Izvestia biết việc triển khai hệ thống tên lửa này đến khu vực biên giới là một “phản ứng tức thời và phù hợp” trong bối cảnh Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài khoảng 1.340km với Nga, đã chính thức gia nhập NATO vào tháng 4 năm ngoái. Còn theo một nhà sử học quân sự Nga hiện đang làm việc tại Izvestia thì nước Nga “cần phải để mắt đến người Phần Lan”.

Thông báo về việc triển khai tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới sát biên giới NATO được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ba Lan cho biết nước này sẵn sàng cho phép triển khai vũ khí hạt nhân của các đồng minh NATO trên lãnh thổ của mình.

* Hy Lạp từ chối gửi cả S-300 lẫn Patriot tới Ukraine?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến công du tới một số nước châu Âu trong vài tuần gần đây và kêu gọi chuyển giao thêm hệ thống tên lửa phòng không Patriot hoặc các hệ thống tương đương cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Trước đó, theo Bulgarian Military, Hy Lạp có thể sẽ chuyển gian cho Ukraine một tổ hợp tên lửa Patriot PAC-3. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được truyền thông Hy Lạp xác nhận. Hơn nữa, thông tin hiện tại lại cho thấy có vẻ như Hy Lạp không có ý định chuyển giao hệ thống tương tự, mà đang dự tính chuyển giao một hệ thống phòng không khác, hiện đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phòng không cho thủ đô Hy Lạp trước các mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo. Hệ thống này có tầm đánh chặn hiệu quả khoảng 150km.

Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Pavlos Marinakis nhấn mạnh rằng Hy Lạp sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào có khả năng làm tổn hại đến khả năng phòng thủ của đất nước, đặc biệt là khả năng chống lại các mối đe dọa từ trên không. Ảnh: Bulgarian Military

Theo TopWar, Ukraine được cho là đã yêu cầu Hy Lạp cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300, trong khi truyền thông phương Tây đưa tin lãnh đạo Liên minh châu Âu và NATO đã kêu gọi Hy Lạp và Tây Ban Nha chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Patriot cho Ukraine với lý do là nhu cầu phòng không của Athens và Madrid ít cấp bách hơn rất nhiều so với Kiev.

Tuy nhiên, đêm 23-4, Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Pavlos Marinakis đã chính thức phủ nhận những thông tin này. Ông nhấn mạnh rằng Hy Lạp sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào có khả năng làm tổn hại đến khả năng phòng thủ của đất nước, đặc biệt là khả năng chống lại các mối đe dọa từ trên không. Ông cũng nói thêm rằng ông không biết về bất kỳ kế hoạch nào từ phía Washington với mục đích hỗ trợ Athens đưa hệ thống phòng không Patriot đến cho quân đội Ukraine. Hiện quân đội Hy Lạp đang sở hữu 36 bệ phóng hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

* Ấn Độ thử biến thể tên lửa đạn đạo tầm trung và áo chống đạn mới

Ngày 24-4, Army Technology đưa tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tuyên bố thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung phiên bản mới. Theo tuyên bố, cuộc thử nghiệm được thực hiện vào ngày 23-4 dưới sự giám sát của Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược Ấn Độ.

Cuộc thử nghiệm nhằm mục đích xác nhận mức độ sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược Ấn Độ và đánh giá các công nghệ mới.

Cuộc thử nghiệm tên lửa được thực hiện vào ngày 23-4 dưới sự giám sát của Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược Ấn Độ. Ảnh: Army Technology

Theo báo cáo của Business Standard, tên lửa mới này của Ấn Độ không thuộc dòng tên lửa đạn đạo “Agni” hiện có và đây có thể là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Crystal Maze 2. Cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi máy bay chiến đấu Su-30 MKI ở Quần đảo Andaman và Nicobar.

Trong một diễn biến khác, Cơ sở Nghiên cứu và Phát triển vật tư quốc phòng thuộc của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ cũng đã ra mắt một loại áo chống đạn mới. Đây là chiếc áo chống đạn nhẹ nhất Ấn Độ từng nghiên cứu và phát triển. Chiếc áo giáp mới đã trải qua một loạt các thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu đường đạn chu kỳ cuối của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ ở Chandigarh, Punjab, Ấn Độ.

Theo đó, tấm giáp cứng phía trước của áo chống đạn có khả năng chịu được nhiều phát bắn bằng đạn bắn tỉa 7,62x54R trong những bài kiểm tra độc lập cũng như kiểm tra khi đưa vào kết cấu chung của áo giáp.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (25-4): Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M tới sát Phần Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO