* Mỹ thông báo sẽ sớm chuyển xe tăng Abrams trang bị đạn uranium nghèo cho Ukraine
Arab News đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, lô xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams đầu tiên do Mỹ sản xuất sẽ sớm được chuyển đến Ukraine.
Xe tăng Abrams của Mỹ sắp tới Ukraine. Ảnh: National Review |
“Tôi vui mừng thông báo rằng xe tăng Abrams mà Washington cam kết trước đó sẽ sớm tới với chính quyền Kiev”, Arab News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết tại cuộc họp của Nhóm Liên hệ Quốc phòng Ukraine ở Đức.
Một quan chức quân sự giấu tên của Mỹ còn tiết lộ rằng, những chiếc Abrams đầu tiên sẽ được chuyển đến Ukraine “trong vài ngày tới và quá trình này sẽ hoàn tất trong vài tuần”. Đặc biệt, xe tăng này sẽ được trang bị đạn uranium nghèo.
Từ năm ngoái, Ukraine nhiều lần đề nghị được cung cấp xe tăng Abrams nhưng Washington chưa có động thái “bật đèn xanh”. Đầu năm nay, The Washington Post còn dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc hoài nghi rằng, không chắc quân đội Ukraine có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính sẽ mất hơn một năm để trang bị cho Kiev phiên bản xe tăng M1A2 Abrams mới nhất. Vì vậy, có thể các mẫu xe tăng M1A1 Abrams cũ hơn sẽ được sửa chữa ở Đức và chuyển đến Ukraine trước cuối năm nay.
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Nguồn: MILITARY CHANNEL |
Ở một diễn biến có liên quan, Business Insider cho biết Ukraine đã từ chối không nhận 10 xe tăng Leopard 1A5 của Đức do tình trạng kém. Theo Kiev, chúng cần được sửa chữa nhưng nước này không có kỹ thuật viên và linh kiện cho việc đó. Bên cạnh đó, có thông tin rằng gần đây Ukraine và Pháp đang thảo luận về khả năng Paris chuyển giao máy bay chiến đấu Mirage 2000 cho nước này.
* Azerbaijan và Armenia đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh
Theo Al Jazeera, ngày 20-9, Lực lượng gìn giữ Hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh đã đứng ra làm trung gian để đại diện Azerbaijan và các lực lượng Armenia tại vùng lãnh thổ này đạt thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch.
Lực lượng gìn giữ Hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Foreign Policy |
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đạt được thỏa thuận về việc đình chỉ “các biện pháp chống khủng bố” ở Nagorno-Karabakh có hiệu lực từ 17 giờ 00 (giờ Việt Nam) ngày 20-9. Thỏa thuận này đạt được 1 ngày sau khi Baku triển khai chiến dịch quân sự tại khu vực trên, sau khi 4 cảnh sát và 2 dân thường nước này thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở đây. Theo hãng tin Armenpress, các cuộc tấn công của Azerbaijan đã khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng kể từ cuối những năm 1980.
Chính quyền Azerbaijan cũng thông báo tổ chức một cuộc họp với người Armenia ở Nagorno-Karabakh về vấn đề tái hòa nhập ở khu vực tranh chấp. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 21-9 tại Yevlakh, Azerbaijan.
* Hải quân Tây Ban Nha đưa UAV mới nhất lên tàu chiến
Vertical Mag đưa tin, tập đoàn Alpha Unmanned Systems (AUS) của Tây Ban Nha đã kết hợp thành công máy bay không người lái UAV Alpha 900 mới nhất của mình vào hoạt động của các tàu chiến thuộc hải quân Tây Ban Nha.
UAV Alpha 900 trên một tàu chiến của hải quân Tây Ban Nha. Ảnh: AUS |
Theo đó, UAV Alpha 900 được thử nghiệm thành công khi có thể cất hạ cánh trên tàu chiến đang di chuyển trên biển. UAV này sử dụng động cơ đốt trong mạnh mẽ, khả năng bay lên đến 4 giờ liên tục và tải trọng 4kg, được thiết kế để phục vụ công tác trinh sát, giám sát, thu thập tình báo, tiếp cận mục tiêu trên biển.
Việc đưa vào hoạt động UAV Alpha 900 nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa hãng này với lực lượng vũ trang Tây Ban Nha thông qua các cuộc tập trận như REPMUS 2022 và sắp tới là NATO Dynamic Messenger 2023.
* ECOWAS đang đàm phán với chính quyền quân sự Niger
Reuters cho biết, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Chủ tịch Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) xác nhận, khối này đang đàm phán với chính quyền quân sự Niger để lập lại trật tự Hiến pháp sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum cuối tháng 7 vừa qua.
Lực lượng an ninh duy trì trật tự sau khi đảo chính quân sự diễn ra ở Niger. Ảnh: AP |
Trước đó, ECOWAS từng nhiều lần tuyên bố sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả can thiệp quân sự, để khôi phục trật tự Hiến pháp tại nước này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên khối này kịch liệt phản đối giải pháp can thiệp quân sự.
Dù vấp phải sự chỉ trích và lên án gay gắt từ nhiều nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, cuộc đảo chính quân sự tại Niger lại nhận được sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng nước này và nhất là hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.