* Tiêm kích thế hệ thứ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ đạt cột mốc mới
Theo Military Leak, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm KAAN - máy bay chiến đấu đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất - đã đạt được cột mốc quan trọng mới với chuyến bay thử nghiệm thành công thứ hai.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) nêu rõ, KAAN đã thể hiện các chỉ số hiệu suất đáng khen ngợi trong chuyến bay kéo dài 14 phút gần thủ đô Ankara. Cụ thể, trong 14 phút bay thử nghiệm, máy bay duy trì tốc độ 426km/giờ và leo lên độ cao hơn 3.000m. Những con số này đều cao hơn so với lần đầu tiên cất cánh của máy bay.
Chủ tịch SSB Haluk Görgün ca ngợi sự kiện trên là “một ngày quan trọng khác trong lịch sử hàng không và quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ”, nêu bật sự thành công của chuyến bay và nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu thu thập được để phân tích và chuẩn bị cho những lần thử nghiệm tiếp theo.
Tiêm kích KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkiye Newspaper |
Trước đó, KAAN thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào cuối tháng 2-2024, qua đó đưa Ankara chính thức gia nhập nhóm các quốc gia ưu tú có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, cho dù sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của máy bay bao gồm hoạt động khởi động động cơ vào tháng 2-2023 và thử nghiệm lăn bánh trên đường băng một tháng sau đó.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) - nhà thầu chính chịu trách nhiệm phát triển dự án này - cho biết đang chuẩn bị sẵn nguyên mẫu thứ hai và thứ ba, lần lượt cất cánh vào năm 2025 và 2026, trong khi các nguyên mẫu còn lại sẽ được xuất xưởng vào năm 2034.
Dù vẫn giữ kín những tính năng kỹ chiến thuật của máy bay này, TAI khẳng định KAAN sẽ không hề thua kém tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Các thông số được công bố tới nay cho thấy KAAN có chiều dài 21m, sải cánh 14m, trọng lượng cất cánh khoảng 27 tấn, vận tốc tối đa 2.200km/giờ, trần bay gần 17km và bán kính hoạt động hơn 1.000km. Máy bay sẽ được trang bị nhiều khí tài tiên tiến bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động, hệ thống tác chiến điện tử tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều vũ khí nội địa hiện đại.
* Nhật Bản muốn hợp tác đóng tàu khu trục đa năng với Australia
Yomiuri Shimbun đưa tin, Nhật Bản đang cân nhắc tham gia vào gói thầu mua 11 tàu khu trục đa năng của Australia trong kế hoạch tăng cường sức mạnh hạm đội của hải quân đất nước chuột túi.
Khi Australia công bố các thông số kỹ thuật mong muốn vào cuối năm nay, Nhật Bản, cùng với Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Đức, sẽ nhận được đề xuất phát triển chung và bắt đầu thảo luận chi tiết về hợp đồng.
Một tàu Mogami của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: Defence Review Asia |
Dự kiến, đại diện dự thầu từ xứ mặt trời mọc sẽ là lớp tàu khu trục tàng hình Mogami do Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi đóng cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Theo Yomiuri Shimbun, một trong những điểm mạnh của tàu Mogami là quy mô thủy thủ đoàn chỉ khoảng 90 người nhờ mức độ tự động hóa cao, tức bằng một nửa so với những tàu cùng phân khúc và phù hợp với ưu tiên của phía Australia.
Tàu Mogami dài 133m, rộng 16m, lượng choán nước đầy tải khoảng 5.500 tấn, tốc độ tối đa 55km/giờ. Vũ khí chính của tàu bao gồm hải pháo Mk45 cỡ nòng 127mm, 2 bệ vũ khí điều khiển từ xa, cụm bệ phóng thẳng đứng Mk41 với 16 ống mang tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa.
Ngoài ra, tàu được trang bị 8 tên lửa diệt hạm, một hệ thống phòng thủ cực gần SeaRAM, hệ thống phóng ngư lôi Type 12, một trực thăng SH-60L cùng mồi bẫy. Mặt khác, tàu có khả năng triển khai và thu hồi các thiết bị không người lái mặt nước (USV) và thiết bị không người lái dưới mặt nước (UUV).
Yomiuri Shimbun đánh giá, Nhật Bản rất chú trọng đến gói thầu của Australia, sau khi Tokyo thất bại trước Pháp trong cuộc đấu thầu cung cấp 12 tàu ngầm cho Canberra vào năm 2016.
* Ukraine sử dụng thiết bị bay mới mang đạn chống tăng RPG-7
Army Recognition cho biết, quân đội Ukraine vừa công bố những hình ảnh cho thấy việc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) mới được trang bị đạn chống tăng RPG-7.
UAV này ít nhiều có nét tương đồng với mẫu UJ-32 LASTIVKA mà chính quyền Kiev từng giới thiệu tại Triển lãm các hệ thống không người lái UMEX năm 2022. Với tốc độ từ 60 đến 180km/giờ, thời gian bay 20 phút và tầm tự động tối đa 40km, UJ-32 có thể sử dụng đạn RPG-7 trong cấu hình tiêu chuẩn nhưng cũng tương thích với các loại đạn khác.
Hình ảnh UAV mới mang đạn chống tăng RPG-7 của Ukraine và mẫu UAV UJ-32 (ảnh nhỏ góc phải trên cùng). Ảnh: Ukroboronprom |
UAV có thể được triển khai nhanh chóng trong tình huống chiến đấu từ bệ phóng di động. Hình dạng nhỏ gọn của nó, dù chưa rõ thông số cụ thể, được tối ưu hóa để nhắm mục tiêu chính xác và giảm khả năng bộc lộ trước màn hình radar.
Với thân thẳng, thon dài và cánh quạt gắn phía sau đuôi, máy bay sử dụng động cơ điện, giúp giảm thiểu tiếng ồn so với động cơ đốt trong truyền thống. Cùng với đó, Army Recognition đánh giá UAV này áp dụng cấu hình cánh chính đặt cao trên thân nhằm tăng cường độ ổn định và hiệu quả trong khi bay.
MINH ANH(tổng hợp)