Quân sự thế giới hôm nay (10-5): Không quân Nga nhận thêm tiêm kích Su-35

10/05/2024 06:59

Quân sự thế giới hôm nay (10-5-2024) có những nội dung sau: Không quân Nga nhận thêm tiêm kích Su-35, Malaysia ra mắt đạn tuần kích mới tại DSA 2024, Lockheed Martin tăng cường sản xuất hệ thống HIMARS.

* Không quân Nga nhận thêm tiêm kích Su-35

Tập đoàn chế tạo máy bay (UAC) của Nga công bố vừa bàn giao lô máy báy chiến đấu Su-35S thứ hai cho lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS).

Không quân Nga vừa nhận thêm lô máy bay chiến đấu Su-35S thứ hai từ UAC. Ảnh: Bulgarian Military  

UAC nhấn mạnh, những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4++ tiên tiến này đã hoàn thành một loạt các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và bay dưới nhiều chế độ khác nhau trước khi được chuyển giao. Trước đó, ngày 12-4, nhà máy Gagarin ở Komsomolsk-on-Amur thuộc UAC đã chuyển giao lô Su-35S đầu tiên cho Bộ Quốc phòng Nga.

Su-35S là máy bay chiến đấu thế hệ 4++, sở hữu công nghệ thế hệ thứ 5, được xem là biến thể nâng cấp sâu của Su-27. Máy bay có chiều dài 21,9m, sải cánh rộng 15,3m và cao 5,9m. Su-35S có trọng lượng cất cánh tối đa 34,5 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa 2.500 km/giờ nhờ được trang bị 2 động cơ Saturn AL-41F1S. Tầm hoạt động của nó là 3.600km.

Su-35S được trang bị tổ hợp điện tử hàng không tiên tiến và radar mảng pha điện tử Irbis-E, giúp máy bay có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc trong phạm vi lên tới 400km đối với các mục tiêu trên không. Ngoài ra, máy bay còn được tích hợp hệ thống định vị quang học OLS-35, cung cấp khả năng tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại.

Vũ khí chính của Su-35S là pháo tự động GSh-30-1 30mm cơ số đạn 150 viên; tên lửa không đối không R-77 và R-73, tên lửa chống hạm Kh-31, Kh-35U hoặc Kh-59M, cùng một loạt bom dẫn đường và không dẫn đường.

* Malaysia trình làng đạn tuần kích mới tại DSA 2024

Tại Triển lãm và Hội nghị Dịch vụ Quốc phòng châu Á (DSA 2024), công ty Mindmatics của Malaysia lần đầu giới thiệu một loại đạn tuần kích mới có tên gọi TODAK.

Đạn tuần kích TODAK lần đầu tiên được giới thiệu tại DSA 2024. Ảnh: Army Certification

Đạn tuần kích TODAK được mô tả là tích hợp công nghệ AI, giúp phát hiện mục tiêu và điều chỉnh đường bay phù hợp. Đạn có chiều dài 2m, rộng 1,35m và đường kính 180mm. Với thiết kế nhỏ gọn, loại đạn này có khả năng hoạt động ở chế độ tự động cũng như có thể được điều khiển bởi binh lính.

TODAK có thể hoạt động trong bán kính 40km với tốc độ cơ động là 100 km/giờ. Loại đạn này có thể mang theo lượng thuốc nổ nặng 3kg và phóng ra với tốc độ tối đa 170 km/giờ trước khi chạm nổ. Sử dụng động cơ điện pin Li-ion 25,2V, TODAK có thể hoạt động liên tục trong hơn 40 phút ở độ cao tối đa 6.000m.

* Lockheed Martin tăng cường sản xuất hệ thống HIMARS

Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ mới giành được một hợp đồng trị giá 861,3 triệu USD để tăng cường sản xuất hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS. Hợp đồng này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về hệ thống phóng tên lửa hạng nhẹ, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc giao tranh quân sự hiện nay.

M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực phóng loạt có thể bắn tên lửa dẫn đường GMLRS cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Ảnh: US DoD

Được phát triển vào cuối những năm 1990, HIMARS được gắn trên khung xe tải M1140 tiêu chuẩn của Lục quân Mỹ, mang lại khả năng cơ động và tính linh hoạt cao trong các tình huống chiến đấu. Hiện tại, HIMARS được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới như Jordan, Ba Lan, Romania, Singapore và Saudi Arabia…

HIMARS có thể bắn cả tên lửa dẫn đường (GMLRS) và tên lửa chiến thuật (ATACMS), mang lại sự linh hoạt trong việc nhắm nhiều loại mục tiêu. Khả năng tấn công chính xác và tái định vị nhanh chóng giúp hệ thống có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.

Mỗi hệ thống HIMARS do kíp 3 người vận hành và được trang bị bệ phóng chứa 6 rocket M31 cỡ 227mm có tầm bắn lên tới 80km hoặc một tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. HIMARS có thể được vận chuyển dễ dàng bằng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster, C-5 Galaxy và C-130 Hercules.

GMLRS là tên lửa phóng loạt tăng tầm, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS kết hợp với dẫn đường quán tính. Theo báo cáo của Lockheed Martin và Quân đội Mỹ, GMLRS có tầm bắn tối đa hơn 70km. Tuy nhiên đến năm 2009, Lockheed Martin thông báo rằng một tên lửa GMLRS đã được bắn thử thành công ở cự ly 92km.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS cũng là một sản phẩm do Lockheed Martin sản xuất. ATACMS có chiều dài 4m và đường kính 0,6m. Các biến thể của tên lửa có tầm bắn dao động từ 150 đến 300km. Hiện nay, Lầu Năm Góc có 2 phiên bản ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn.

Việc mở rộng sản xuất hệ thống HIMARS nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của vũ khí này trong các hoạt động quân sự hiện đại và vai trò then chốt của Lockheed Martin trong việc đáp ứng nhu cầu phòng thủ của Mỹ và các quốc gia đồng minh.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (10-5): Không quân Nga nhận thêm tiêm kích Su-35
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO