Quá hạn quy định, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ với đơn thuốc điện tử

Lệ Hà| 23/11/2023 16:06

Tại một nhà thuốc nằm trong hệ thống nhà thuốc có tiếng ở Hà Nội trên phố Trần Kim Xuyến, nhân viên bán hàng cho biết: “Chưa nghe đến đơn thuốc điện tử, hệ thống đơn thuốc Quốc gia, nếu triển khai việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử cần được hướng dẫn thêm chứ chưa biết sẽ thực hiện thế nào”.

Quá hạn quy định, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ với đơn thuốc điện tử
Giao diện phần mềm đơn thuốc điện tử đang thực hiện thí điểm tại Hà Tĩnh. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, theo Thông tư 04/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, ngày 30.6.2023 là hạn cuối cùng cho các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Thực tế, đến nay mới chỉ có khoảng 20% các cơ sở y tế, trong đó chủ yếu là đơn vị công lập thực hiện.

Chỉ dừng lại ở việc đồng bộ dữ liệu trong bệnh viện

Ghi nhận của phóng viên tại Hà Nội, nhiều bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn... đã in đơn thuốc cho bệnh nhân. Theo đó, sau khi bác sĩ kê đơn thuốc sẽ in ra để đưa cho bệnh nhân, còn lại bệnh án và đơn thuốc điện tử được lưu trên hệ thống của bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở việc đồng bộ dữ liệu trong bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là bệnh viện tuyến tỉnh đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý, khám chữa bệnh với nhiều ứng dụng đã được triển khai thực hiện đồng bộ như đơn thuốc, y lệnh điều trị hàng ngày… thực hiện trên các phần mềm. Hay từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chính thức triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử…

"Tại bệnh viện, những đơn thuốc do bác sĩ kê trên máy tính, dữ liệu này đồng bộ với nhà thuốc bệnh viện. Trường hợp mua thuốc tại bệnh viện, người bệnh có thể không cần phải đưa đơn mà chỉ cần đọc họ tên, mã số bệnh nhân là có thể mua thuốc. Đơn thuốc điện tử không chỉ giúp bệnh viện quản lý kho thuốc mà còn giúp bệnh nhân dễ dàng mua hơn", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

Quá hạn quy định, số đơn vị thực hiện quá thấp

Thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đến ngày 15.11.2023, Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia đã có 39 đơn vị cung cấp phần mềm quản lý cơ sở khám chữa bệnh và 52 đơn vị cung cấp phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc hoàn thiện, chỉnh sửa thành công việc liên thông đơn thuốc lên Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia.

Hiện có 63 Sở Y tế và 39 bệnh viện tuyến Trung ương triển khai khai báo mã cơ sở và người hành nghề trên Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia. Trong tổng số 43 bệnh viện tuyến Trung ương, chỉ có 27 bệnh viện thực hiện liên thông đơn thuốc. Trong số 16 bệnh viện chưa liên thông, có tên nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…

Hiện có 92.830 bác sĩ đăng ký mã liên thông, trong đó, 85.023 bác sĩ đã được phê duyệt cấp mã và 7.807 bác sĩ đang trong quá trình phê duyệt. 9.255 cơ sở công lập đã được cấp mã liên thông, trong đó, có 6.016 cơ sở liên thông đơn thuốc theo thời gian thực.

Mới có 3.767 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện việc khai báo mã và liên thông đơn thuốc về hệ thống. Đây là con số rất nhỏ so với 219 bệnh viện tư nhân, 31.594 phòng khám tư nhân trong cả nước.

Hội Tin học y tế Việt Nam cho biết, trong một năm qua, Hội đã hỗ trợ hướng dẫn cho 38 Sở Y tế trên toàn quốc về kê đơn thuốc điện tử theo quy định đối với các cơ sở y tế tư nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Các nhà cung cấp phần mềm đã hoàn thiện liên thông thì các cơ sở khám chữa bệnh và bán lẻ thuốc sử dụng dịch vụ sẽ không phải tốn thêm công sức. Các bệnh viện kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện, nhưng mỗi bệnh viện có định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất khối dữ liệu nên rất khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, đơn thuốc điện tử quốc gia sẽ khắc phục tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt; thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn nhằm truy suất nguồn gốc và trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm và hỗ trợ công tác thanh kiểm tra. Điều quan trọng hơn, với đơn thuốc điện tử quốc gia, người dân được cảnh báo với các loại thuốc phải tái kê đơn, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc cấm khác, được cảnh báo về đơn thuốc quá hạn, cần tái khám mới tiếp tục sử dụng. Bên cạnh đó, người dân có thể truy xuất ra bác sĩ đã kê đơn cho mình, từ đó có thể kiến nghị phản hồi hoặc xin tái kê đơn”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quá hạn quy định, nhiều cơ sở y tế vẫn thờ ơ với đơn thuốc điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO