Hiện nay, các hạt vi nhựa có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, từ các con sông băng ở nơi cao nhất tới tận đáy biển sâu thẳm nhất.
Tuy nhiên, tác động của ô nhiễm rác thải nhựa trong các hồ lại ít được nghiên cứu hơn so với ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh công bố ngày 26/7, những hóa chất từ rác thải nhựa khiến vi khuẩn sinh sôi mạnh hơn trong các hồ ở châu Âu mà theo tác giả nghiên cứu, đây có thể là một cách tự nhiên loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa khỏi hệ sinh thái nước ngọt.
Khi các chất thải nhựa như túi nilong bị vứt vào nước, chúng thải ra lượng hợp chất carbon khác một chút so với carbon sản sinh ra từ phân hủy của thực vật.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge đã nghiên cứu xem những ảnh hưởng của những hợp chất carbon này đối với "dân số" vi khuẩn sinh sống ở 29 hồ trên khắp vùng Scandinavia.
Các nhà nghiên cứu đã xé nhỏ thành miếng những túi nilong thu thập từ 4 chuỗi cửa hàng lớn tại Anh và trộn với nước cho đến khi hợp chất carbon từ nhựa được tiết ra.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu lấy nước từ mỗi hồ đổ vào các chai thủy tinh và đổ một lượng nhỏ nước có hợp chất carbon tiết ra, vào một nửa trong số các mẫu chai thủy tinh này.
Trong chai nước bổ sung nước có hợp chất carbon tiết từ nhựa, vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh gấp 2 lần trong vòng 72 giờ và đã hấp thu khoảng một nửa lượng carbon có trong các mẫu chai thủy tinh.
Nhìn chung, các nhà khoa học phát hiện rằng vi khuẩn trong mẫu chai bổ sung nước có hợp chất carbon tiết ra từ nhựa đã sinh sôi gần gấp đôi (1,72 lần) so với vi khuẩn trong chai không đổ thêm nước có hợp chất carbon.
Theo nhà nghiên cứu Andrew Tanentzap thuộc Đại học Cambridge, nghiên cứu này cho thấy tác động sâu sắc của ô nhiễm rác thải nhựa có thể đối với các nước ngọt bị ô nhiễm rác thải nhựa.
Ông nói: "Dường như ô nhiễm rác thải nhựa đang làm vi khuẩn sinh sôi mạnh. Điều này cho thấy rằng ô nhiễm rác thải nhựa đã thúc đẩy toàn bộ mạng lưới thức ăn trong hồ bởi có thêm vi khuẩn đồng nghĩa là có thể thức ăn cho các sinh vật lớn hơn như vịt và cá."
Nghiên cứu đã xem xét cách thức vi khuẩn phản ứng với hợp chất carbon từ nhựa trong các hồ khác nhau về độ sâu, địa điểm, nhiệt độ bề mặt nước và các thành phần hữu cơ khác trong hồ.
Tuy nhiên, một tác giả khác của nghiên cứu Eleanor Sheridan cũng cảnh báo về giả định rằng chỉ có vi khuẩn có thể giải quyết được thảm họa sinh thái do rác thải nhựa gây ra.
Bà nói: "Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái ở cấp vĩ mô, mà còn chứa những hóa chất tồn tại rất lâu sau khi thoát vào nước. Tôi hy vọng điều này nâng cao nhận thức nhiều tác động khác nhau có thể có đối với một kiểu gây ô nhiễm môi trường"./.