Xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu. Toàn xã có 13 thôn bản, có 10 bản 100% là người Mường.
Chị Đinh Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phú cho biết, từ thời xa xưa, người Mường thường có quan niệm trọng nam khinh nữ, phụ nữ phải làm nhiều công việc trong gia đình để phục vụ chồng con.
Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán người phụ nữ tuyệt đối không được tham gia, khiến nhiều chị em bị mất cân bằng cuộc sống, phụ thuộc nặng nề vào nam giới.
Không chỉ các bà, các chị, mà trong các gia đình, ngay cả những cháu gái sinh ra, cũng mang nặng tâm lý trên, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình nên khi lớn lên cũng đành cam chịu làm hết mọi việc để phục vụ chồng con, từ đó hủ tục bất bình đẳng giới khó xóa bỏ.
Để xóa bỏ bất bình đẳng giới tại địa phương, năm 2017, UBND xã Kỳ Phú tổ chức thành lập Câu lạc bộ Bình đẳng giới, đưa về bản Cả hoạt động làm nòng cốt.
"Ban đầu, câu lạc bộ có số ít chị em tham gia. Đến nay, câu lạc bộ đã có 76 thành viên. Trong đó, có nhiều nam giới cũng tham gia và nhiều thành viên là các cặp vợ chồng", chị Thoa chia sẻ.
Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phú cho biết thêm, từ khi câu lạc bộ Bình đẳng giới ra đời, các thành viên trong câu lạc bộ hoạt động năng nổ. Việc xóa bất bình đẳng giới được thực hiện ngay trong gia đình của các chị em phụ nữ Mường tham gia câu lạc bộ.
Khi câu chuyện bất bình đẳng giới trong gia đình các thành viên được xóa bỏ, mọi người cùng nhau tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân để xóa bỏ bất bình đẳng giới.
"Những năm gần đây, tình trạng trọng nam khinh nữ, những người chồng gia trưởng, say rượu đánh đập vợ con, hay chuyện bất hòa trong gia đình trên địa bàn hầu như đã không còn. Chị em phụ nữ đã có tiếng nói của mình trong gia đình, tham gia các hoạt động xã hội tại thôn bản và lãnh đạo chính quyền địa phương", chị Thoa nói.
Câu lạc bộ Bình đẳng giới được chị em phụ nữ xã Kỳ Phú sinh hoạt đều đặn, xen kẽ với các hoạt động của hội phụ nữ tại địa phương. Nhờ xóa bỏ được bất bình đẳng giới, hiện nay nhiều chị em phụ nữ ở xã Kỳ Phú hoạt động năng động công tác hội, chính quyền địa phương và vươn lên làm giàu.
Chị Thoa dẫn chứng, nhiều chị em phụ nữ dân tộc Mường của xã hiện nay đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, tiêu biểu như: Phó Bí thư Đảng ủy xã; Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch MTTQ xã, Đoàn Thanh niên, đều là phụ nữ dân tộc Mường.
Không chỉ các chị em phụ nữ tham gia tốt công tác lãnh đạo địa phương, mà nhiều chị em phụ nữ xã Kỳ Phú cũng là các điển hình kinh tế tiêu biểu của huyện Nho Quan và tỉnh Ninh Bình. Trong đó phải kể đến các mô hình nuôi bò, dê, nuôi hưu lấy nhung của các chị Quách Thị Thêu, Đinh Thị Dung, Đinh Thị Canh… mỗi năm đều cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng.
"Nhờ sự hoạt động tích cực của câu lạc bộ Bình đẳng giới, trong vòng 4 năm trở lại đây, trên địa bàn đã xóa bỏ được tình trạng bất bình đẳng giới. Chị em phụ nữ đã tự tin hơn trong các hoạt động xã hội, nhất là phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, thay đổi bộ mặt của quê hương", chị Thoa nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phú, hiện nay, chỉ còn trường hợp cá biệt vẫn chưa nhận thức, thực hiện được bình đẳng giới ở trong các bản Mường sống sâu trong khu vực rừng núi. Thời gian tới câu lạc bộ bình đẳng giới của xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để các cá nhân, các gia đình này hiểu rõ về ý nghĩa của bình đẳng giới, để từ đó xóa bỏ bất bình đẳng giới hoàn toàn tại địa phương", chị Thoa nói.