Quan điểm này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo, chiều 28/2.
Khẳng định tầm quan trọng của chủ trương này với mục tiêu tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng thừa nhận so với các nước, bộ máy của chúng ta nặng nề nên khó tăng lương.
Mặt khác, vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả, theo Phó Thủ tướng.
Về chủ trương sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030, Phó Thủ tướng đánh giá đây là việc khó khi chỉ còn 6 tháng nữa phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Đặc biệt, theo ông Quang, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đụng chạm đến các địa phương và chế độ chính sách của rất nhiều người, nên phải làm thật kỹ lưỡng.
Phó Thủ tướng cho biết có 56 đề án của 56 địa phương đã được trình lên và trách nhiệm Ban chỉ đạo là tháo gỡ khó khăn, để đến tháng 9 tới kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Chúng ta phải vượt qua chính mình mới thành công được", Phó Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh truyền thông về việc này.
Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành, Bộ Nội vụ tổng hợp và trong năm sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện.
Trong đó, theo nữ Bộ trưởng, có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị.
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị. Cụ thể, có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Thông tin về điểm khác biệt của đợt sắp xếp này, Bộ trưởng Nội vụ cho hay có nhiều địa phương chủ động đề xuất sáp nhập huyện, xã theo diện khuyến khích. Số huyện sáp nhập tăng lên rất nhiều so với phương án ban đầu, đạt tỷ lệ 166,66% (50/30), theo Bộ trưởng Nội vụ.
Chỉ còn 6 tháng thực hiện, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý đây là giai đoạn nước rút, trong khi số lượng đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn, nhất là ở các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng . Vì vậy, các địa phương phải nỗ lực để hoàn thành.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cụ thể, Bộ Nội vụ bám sát cùng địa phương giải quyết bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp. Tinh thần được Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh là bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Bộ cũng sẽ rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng trụ sở công ở các đơn vị hành chính; rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở.
Cùng với đó, các đơn vị sẽ cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng, phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp sáp nhập huyện, xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm.