Chúng ta thường nói với nhau rằng phố cổ Hà Nội là khu vực chứa đựng những giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc làm nên hồn cốt của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi.
Nhưng làm gì để gìn giữ và phát huy hồn cốt đó, hay là để cho thời gian, mưa nắng và công cuộc đô thị hóa "gặm nhấm" dần những giá trị của 36 phố phường, thì lại là câu chuyện loay hoay từ hàng chục năm nay.
Khu phố cổ Hà Nội hiện còn chủ yếu ở quận trung tâm, quận Hoàn Kiếm. Kiến trúc chủ đạo là những ngôi nhà hình ống, một đến hai tầng, kết cấu xây bằng gạch, gác gỗ, mái lợp ngói - những "mái ngói thâm nâu" như lời một bài hát.
Hồi sinh viên tôi vẽ một bức tranh về các nóc nhà phố cổ với những mái ngói lô xô như thế, mang vào lớp khoe thì lũ bạn nhận xét, "cậu vẽ Hà Nội chẳng giống gì cả, Hà Nội gì mà quê thế này!". Vâng, nhưng sự thật Hà Nội cổ là như thế đấy. Những cư dân đầu tiên của Hà Nội chính là những nông dân đồng bằng Bắc Bộ, nên họ mang nét quê vào phố một cách rất tự nhiên. Và đấy chính là nét thân thương của phố cổ Hà Nội.
Do kiến trúc chủ yếu bằng gỗ và gạch nên rất hiếm ngôi nhà phố cổ Hà Nội nào có tuổi đời trên 150 năm. Tất cả đều cũ nát đi theo thời gian. Hồi những năm 1975 đến 1977, tôi học cấp 3 ở trường Phan Đình Phùng trên phố Cửa Bắc, ngày nào cũng hai buổi đi bộ qua các phố cổ, hàng Gà, Lò Rèn, Hàng Đồng, Bát Sứ để về nhà trên phố Hàng Phèn.
Tôi say sưa ngắm nhìn các ngôi nhà cổ còn nguyên bản chưa sửa chữa gì. Theo một số tài liệu, ngôi nhà nằm trên ngã tư của hai phố Hàng Đồng và phố Lò Rèn, là ngôi nhà cổ nhất Hà Nội, xây năm 1860, tức là trước khi Pháp chiếm thành Hà Nội. Ngôi nhà ấy lúc tôi đứng xem thì người chủ đang làm lò rèn, đập sắt chan chát suốt ngày.
Mấy năm sau đi qua thấy ngôi nhà ấy bị phá rồi, xây lại theo kiểu phố huyện thông thường. Tiếc quá. Chắc chủ nhân của ngôi nhà ấy không biết rằng họ vừa phá đi một di sản quý của Hà Nội đâu nhỉ.
Không thể trách những chủ nhà ở khu phố cổ được. Do cuộc sống mưu sinh mà họ phải phá đi thôi. Thật sự thì những ngôi nhà phố cổ có điều kiện sống kém, ít ánh sáng, ẩm thấp, muỗi gián nhiều.
Hồi trước, mẹ tôi sợ nhất là lũ gián. Mẹ kể những ngày động trời gián bò ra bay vù vù khắp nhà, bà và mẹ chết khiếp, phải đội nón trong nhà. Ngày ấy chưa có thuốc xịt gián như bây giờ, nên mọi người chỉ biết chịu trận. Rồi nhà vệ sinh nữa. Trước đây nhà phố cổ đi vệ sinh vào cái thùng, rồi hàng ngày có người đến làm công việc đổi thùng. Cái thùng ấy lại mang ra ngoại ô bán cho người trồng rau ủ để bón cho rau. Mãi đến sau những năm 1970. các nhà phố cổ dần cải tạo sang vệ sinh tự hoại thì điều kiện vệ sinh phố cổ mới được cải thiện.
Những ngôi nhà phố cổ như trên bây giờ chỉ còn lại một ít, rải rác ở các phố Hàng Bạc, Hàng Bè... và trong tranh của Bùi Xuân Phái. Được gọi chung bằng một cái tên là Phố Phái. Hồi trước tôi cứ ao ước mình có một cái máy ảnh để đi chụp tất cả những ngôi nhà cổ của Hà Nội, vì ngay từ những năm 1980 tôi đã chứng kiến các ngôi nhà cổ của Hà Nội bị phá đi từng ngày. Mấy chục năm trôi qua, nay nghỉ hưu, tôi đã có máy ảnh và có thời gian rảnh rỗi thì nhìn lại các ngôi nhà cổ đã bị phá gần hết.
Việc phá những ngôi nhà cổ đã bắt đầu từ những năm 1930. Các gia đình có tiền thời ấy đã dỡ những ngôi nhà cổ, xây thay vào bằng căn nhà biệt thự dạng liền kề, cao 2 đến 3 tầng, phong cách kiến trúc kiểu châu Âu, có ban công, cửa kính, mái ngói, có công son đỡ mái bằng gỗ, tường đắp họa tiết trang trí.
Kiểu kiến trúc này nhìn đẹp và khá ăn nhập với kiến trúc phố cổ. Ở trên phía tường cao nhất, tạm gọi là "cái trán" của ngôi nhà, bao giờ cũng có đắp nổi hàng chữ số năm khánh thành. Thành ra tôi không phải là nhà khảo cổ cũng có thể nói vanh vách ngôi nhà ấy xây năm bao nhiêu. Bây giờ đi về các miền quê, ta vẫn thấy nhiều nhà dân giữ thói quen ấy, đắp nổi năm xây lên phía trán của ngôi nhà.
Việc phá dỡ các ngôi nhà phố cổ diễn ra ồ ạt vào những năm 1980 đến 1990, thời kỳ Hà Nội bung ra làm ăn nhờ "được cởi trói". Nhưng đáng tiếc là sau khi phá những ngôi nhà cả trăm tuổi kia đi, những người chủ mới xây thay vào đấy nhà bê tông mái bằng đơn giản, giống như các ngôi nhà ta vẫn thấy ở các phố huyện. Chẳng ai để ý đến mỹ thuật gì cả, miễn là có chỗ rộng hơn để buôn bán. Nên bây giờ kiến trúc chủ đạo của phố cổ là giống phố huyện. Phố Phái giờ chỉ còn trong tranh mà thôi.
Giai đoạn 1990 đến nay còn tệ hơn nữa, do du lịch phố cổ Hà Nội phát triển, các nhà đầu tư săn lùng nhà phố cổ đập đi để xây khách sạn. Nhiều khách sạn cao tầng mọc lên ngạo nghễ giữa phố cổ, phá nát luôn cảnh quan kiến trúc cổ kính.
Trong chuyện này ai là người có lỗi? Chắc chắn là người quản lý, nhà quy hoạch. Quy hoạch phố cổ đã có, nhưng không ai chế tài. Sức mạnh của đồng tiền đã phá vỡ hết. Những cái hay ho của quy hoạch như không được xây quá 3 tầng, phải có mái ngói, phong cách kiến trúc phải phù hợp với xung quanh... chỉ là trên giấy.
Tôi đi ngắm phố cổ và rút ra được một điều: Thỉnh thoảng vẫn còn sót lại một vài ngôi nhà cổ, thì đấy chính là những ngôi nhà có nhiều chủ, hàng chục gia đình chung đụng, ai cũng nghèo cả nên ngôi nhà ấy mới còn giữ được dáng vẻ cũ. Nếu một người trong đó mà giàu lên hoặc một nhà giàu khác thỏa thuận được với từng hộ để mua lại cả nhà, thì ôi thôi, ngôi nhà ấy sẽ biến mất, để lấy đất mọc lên một khách sạn mini cho đáng đồng tiền bỏ ra.
Bao nhiêu năm qua, Hà Nội có các đề án giãn dân phố cổ, rồi đề án bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ, nhưng tôi thấy không làm được bao nhiêu. Gần đây, Hà Nội đang dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) song mọi người chủ yếu bàn các vấn đề của đời sống đô thị hôm nay, chứ ít ai bàn đến phố cổ. Vậy thì cái hồn cốt của Thủ đô sẽ có vị trí như thế nào trong đạo luật này. Mong là các nhà quản lý sẽ lưu tâm.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.