Philippines - Đức nhấn mạnh thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông

Vy Anh| 14/03/2024 16:47

Philippines và Đức đều đồng lòng nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Philippines - Đức nhấn mạnh thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông
Tổng thống Philippines Marcos Jr. và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của toàn thế giới. (Nguồn: AP)

Hàng hải ở Biển Đông là quan tâm của toàn thế giới

Vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề quan trọng được Tổng thống Philippines Marcos Jr. nhấn mạnh trong cuộc gặp với Thủ tướng Olaf Scholz nhân chuyến thăm Đức, đối tác an ninh quan trọng của Manila (11-15/3).

Bộ Ngoại giao Philippines trước đó đã tuyên bố nhấn mạnh Manila không thể xem xét nhiều đề xuất hàng hải của Bắc Kinh vì những đề xuất này không thể phản ánh quyền lợi của Philippines về các vấn đề ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Biển Đông, nơi chiếm đến 60% vận tải đường biển toàn thế giới, khẳng định “đây không chỉ là mối quan tâm của Philippines, của ASEAN, hay khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà là của toàn thế giới”.

Ông Marcos Jr. nhấn mạnh, Manila “vẫn cam kết giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn, tuy nhiên Philippines, như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo luật pháp quốc tế”.

Ngày 12/3, Tổng thống Philippines Marcos Jr. và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng tổ chức một cuộc họp báo tại thủ đô Berlin.

The Manila Times cho biết tại sự kiện này, Tổng thống Marcos Jr. chia sẻ rằng nếu Trung Quốc kiên trì theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông, hai bên “rất khó nhìn thấy khả năng tiến triển” về vấn đề Biển Đông.

Ông khẳng định Philippines sẽ không nhượng bộ với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Marcos Jr. nhấn mạnh việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không chỉ phù hợp với lợi ích của Philippines, ASEAN hoặc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn phù hợp với lợi ích của toàn thế giới.

Đây cũng là quan điểm được nguyên thủ Đức Olaf Scholz ủng hộ, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Theo Hãng thông tấn Nhà nước Philippines (PNA), Thủ tướng Đức khẳng định tại buổi họp báo: “Điều quan trọng đối với mọi người là luật pháp hiện hành phải được tuân thủ. Chúng tôi đã bàn về vấn đề này hôm nay, và tôi đã nói rõ rằng chúng tôi ủng hộ Philippines trong việc bảo đảm các lợi ích hợp pháp được bảo vệ”.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Philippines Marcos Jr. đã cảm ơn Thủ tướng Đức tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tái khẳng định cam kết ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ lực lượng tuần duyên Philippines.

Đức tham gia các hoạt động huấn luyện quân đội Philippines từ năm 1974 và là đối tác quốc phòng lâu đời thứ hai của nước này. Trước khi lên đường đến Berlin, Tổng thống Marcos Jr. đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải song phương.

Đức và Philippines siết chặt hợp tác trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. Tháng 1/2024, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, Ngoại trưởng Đức công du Manila. Bộ Ngoại giao Đức thời điểm đó cũng đã lên án “các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển rộng lớn, những đòi hỏi mà Tòa Thường trực bác bỏ vào năm 2016”.

Hy vọng một COC hiệu lực, hiệu quả

Theo East Asia Forum, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã đạt mức cao trong năm 2023, trong đó nổi lên những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila. Điều này dẫn đến việc hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tăng cường tuần tra và có hành vi quyết đoán hơn để đáp lại.

Philippines cũng tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh của nước này, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung và cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ mới, đồng thời hợp tác với Australia và các quốc gia trong khu vực để tăng cường khả năng phòng thủ Trung Quốc trên biển.

Trong bối cảnh đó, Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vừa qua cũng đạt được các bước tiến triển đáng ghi nhận. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN 2023, vào tháng 2/2023, Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 32 và Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã quyết định rằng Indonesia nên “tìm ra các chiến lược/cách tiếp cận mới để đẩy nhanh quá trình đàm phán COC”.

Một tháng sau đó, Indonesia đã triệu tập Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 38 về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Jakarta. Vào tháng 5, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về DOC lần thứ 20 đã diễn ra tại Việt Nam sau 2 năm gián đoạn.

Vào tháng 7/2023, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 56 đã nhóm họp tại Jakarta và thông báo rằng lần đọc thứ 2 trong 3 lần đọc COC đã hoàn tất. Đồng thời, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc đã thông qua các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về COC ở Biển Đông. Tiếp đó, tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về thực hiện DOC tổ chức tại Bắc Kinh hôm nay (26/10), Trung Quốc và ASEAN đã chính thức khởi động vòng đọc văn kiện lần thứ ba dự thảo COC.

(theo SCMP, Manila Times)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Philippines - Đức nhấn mạnh thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO