Ngày 22/12, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP HCM (gọi tắt là Đề án thu phí cảng biển).
Báo cáo tại hội nghị, ông Hà Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT TP.HCM cho biết từ ngày 1/4/2022, TP.HCM bắt đầu triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, thu về ngân sách thành phố gần 3.800 tỷ đồng (trung bình thu 7 tỷ đồng/ngày).
Theo Sở GTVT, trong 20 tháng, hệ thống thu phí có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân mỗi ngày từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí. Phần lớn các doanh nghiệp cảng đều phối hợp tốt trong việc kiểm soát hàng hóa và hạn chế hàng hóa qua cảng khi có yêu cầu hạn chế của Cảng vụ.
Với nguồn phí thu được, ông Sơn cho biết TP.HCM trích 1,3% dùng cho các chi phí nâng cấp hệ thống, thuê thiết bị vận hành...
Dự kiến từ năm 2024, tỷ lệ trích để lại là 1,5% mới đảm bảo chi phí thuê thêm thiết bị, thực hiện chi cho hải quan và các doanh nghiệp khai thác cảng.
"Còn lại toàn bộ nộp về ngân sách thành phố để bố trí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể HĐND TP.HCM đã thông qua danh mục 27 công trình trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển", ông Sơn nói.
Thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM phối hợp Cục Hải quan TP.HCM cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ một số vấn đề còn tồn tại, đồng thời tiếp tục triển khai tốt công tác thu phí.
Góp vốn vào nhiều công trình trọng điểm
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết hiện nay, HĐND thành phố đã thông qua danh mục 27 công trình trọng điểm được sử dụng nguồn này. Riêng giai đoạn 2021-2025 có đến 15 công trình với tổng vốn 24.000 tỷ đồng đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư. Nguồn thu phí cảng biển sẽ góp vào những dự án này.
Theo ông Lâm, một số công trình lớn, giúp khơi thông đường vào cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ như: Xây dựng Vành đai 2, đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái – kinh phí 9.047 tỷ đồng (thực hiện 2021-2024) và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng – kinh phí 5.570 tỷ đồng ( thực hiện 2021-2024); Mở rộng Vành đai 2, đoạn cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, – kinh phí 1.219 tỷ đồng (thực hiện 2022-2024), đoạn từ cầu Mỹ Thủy đến đường Nguyễn Duy Trinh và đoạn Nguyễn Duy Trinh đến cầu Phú Hữu – kinh phí cho 2 đoạn 2.300 tỷ đồng (thực hiện 2022-2024).
Hay công trình mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái –kinh phí 1.200 tỷ đồng; Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến KCN Phú Hữu); Xây dựng cầu Cát Lái – kinh phí 8.800 tỷ đồng; Xây dựng Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch; mở rộng đường Đồng Văn Cống…
"Dự án nút giao An Phú dự kiến hoàn thành đầu năm 2025, đến năm 2026 thông xe Vành đai 2, kết hợp đường liên cảng được xây dựng thì cửa ngõ phía Đông sẽ thông thoáng. Xe ra vào cảng thuận lợi, giảm thời gian quay vòng thì chi phí logictics sẽ giảm và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp", ông Lâm nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đánh giá việc triển khai thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở thành phố sau so với một số địa phương khác nhưng các đơn vị đã cùng thực hiện thu phí, không ngừng nâng cấp hệ thống thu 24/7. Việc này giúp đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút được doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy thêm quá trình tiếp cận, chuyển đổi số của TP.HCM.
Cũng theo ông Dũng, nguồn thu phí cảng biển đã xác định rõ sẽ sử dụng để tái đầu tư hạ tầng kết nối cảng, nên ngành giao thông thành phố cần ưu tiên công trình cấp bách để sớm triển khai. Giao thông thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là vận chuyển.
"Tiền thu được nhưng sử dụng thế nào cũng phải công khai", ông nói và cho rằng quy trình thu phí thông qua hệ thống điện tử nên các đơn vị cần tiếp tục cập nhật, nâng cấp để thuận lợi triển khai, không gây phiền hạ cho doanh nghiệp.