Phát triển quá nhanh, các công ty công nghệ cao Trung Quốc vật lộn sinh tồn

26/07/2024 15:18

Các chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh sản xuất tiên tiến của Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp thuộc chuỗi công nghệ cao phải vật lộn với tình trạng cung vượt cầu.

“Cạnh tranh trở nên quá khốc liệt trong hai năm qua”, đó là áp lực mà Pan cùng những người khác trong chuỗi cung ứng công nghệ cao được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ, đang phải trải qua.

Pan đang quản lý một nhà máy chế biến đồng vừa và nhỏ tại trung tâm công nghiệp Yiwu ở thành phố Kim Hoa (tỉnh Chiết Giang). Ông cho biết: “Rất nhiều công ty đổ xô vào một ngành công nghiệp đang phát triển. Đến một thời điểm nào đó, sẽ có đợt thanh lọc lớn và chỉ những công ty mạnh mẽ mới có thể tồn tại”.

Nhà máy sản xuất lá đồng của công ty Huanergy ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Nhà máy sản xuất lá đồng của công ty Huanergy ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Quay trở lại năm 2017, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ và quay trở về Trung Quốc, Pan kết hôn con gái của Shao Qinxiang, người sáng lập tập đoàn Huayuan, một trong những nhà cung cấp vitamin D lớn nhất thế giới cũng như các sản phẩm dệt may và vật liệu xây dựng.

Huayuan cũng có một nhà máy chế biến đồng. Pan đã đề xuất công ty từ bỏ các sản phẩm đồng truyền thống để thay vào đó sản xuất loại đồng mỏng mà các công ty công nghệ cần.

Do đó, Huanergy được thành lập và nhắm đến nhu cầu được dự đoán sẽ rất lớn về lá đồng siêu mỏng dùng trong pin xe điện và mạch điện tử.

"Chúng tôi khi đó phán đoán rằng tất cả các thiết bị và ứng dụng kỹ thuật số, cũng như pin sẽ trở nên rất quan trọng", Pan nói. "Đó là một canh bạc và thật may khi các dự đoán đều thành hiện thực".

Mức tiêu thụ lá đồng của Huanergy tăng vọt. Công ty trở thành một trong những đối tác cung cấp cho các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như BYD và Contemporary Amperex.

Lá đồng sản xuất tại nhà máy của công ty Huanergy. (Ảnh: Bloomberg)
Lá đồng sản xuất tại nhà máy của công ty Huanergy. (Ảnh: Bloomberg)

Trong pin lithium-ion, các lá đồng siêu mỏng dẫn điện tốt và chịu nhiệt, là một phần quan trọng của cực dương. Các lớp đồng này cũng xuất hiện rộng rãi trong các thiết bị điện tử và máy tính, gần như ở mọi nơi yêu cầu kết nối siêu mượt giữa các thành phần của thiết bị.

Theo ước tính của BloombergNEF, nhu cầu đồng hàng năm có thể tăng hơn 50% vào năm 2040, con số này chủ yếu bao gồm dây và cáp trong mạng lưới điện đang mở rộng đáng kể.

Theo công ty tư vấn CRU Group, đến năm 2028, nhu cầu đối với đồng cán phẳng, bao gồm tấm, dải và lá, sẽ tăng gần 1/5 so với mức năm 2023.

“Đây là thị trường tương đối nhỏ, nhưng lại phát triển rất nhanh”, Pan nhận định. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng chỉ trong thời gian ngắn, nhiều công ty khác cũng đi theo con đường tương tự.

Huanergy được thành lập để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về lá đồng siêu mỏng. (Ảnh: Bloomberg)
Huanergy được thành lập để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về lá đồng siêu mỏng. (Ảnh: Bloomberg)

Vật lộn sinh tồn

"Lực lượng sản xuất mới", thuật ngữ được ông Tập Cận Bình đề cập lần đầu tiên vào tháng 9/2023, thực tế là chính sách hỗ trợ của nhà nước nhằm thúc đẩy tất cả từ công nghệ hạt nhân đến sản lượng xe điện, với mục tiêu là kích thích sự tiến bộ công nghệ, tăng năng suất và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng kinh tế khi các công ty ồ ạt nhảy vào những lĩnh vực được hỗ trợ và đang phát triển nhanh. Điển hình như ngành sản xuất năng lượng xanh, một trong những lĩnh vực then chốt trong nỗ lực của ông Tập nhằm dẫn trước các đối thủ địa chính trị.

Các nhà sản xuất pin mặt trời đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng cung vượt cầu, khiến các công ty phải chịu những khoản lỗ lớn và dẫn đến một cuộc đào thải khắc nghiệt. Riêng trong lĩnh vực pin, công suất của Trung Quốc hiện đủ lớn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu và thậm chí nhiều hơn.

Theo Pan, lối thoát duy nhất là phải nâng cao chuỗi giá trị, cắt giảm chi phí và cố gắng tạo ra các sản phẩm tốt hơn. Điều đó có nghĩa các lá đồng cần mỏng hơn, sạch hơn và mịn hơn ở cấp độ phân tử.

"Các công ty phải tìm ra cách tạo sự khác biệt để tồn tại", Pan nói, thừa nhận rằng dù khó khăn nhưng điều này cũng thúc đẩy lợi thế công nghệ của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Hoa Vũ(Nguồn: Bloomberg)
Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/phat-trien-qua-nhanh-cac-cong-ty-cong-nghe-cao-trung-quoc-vat-lon-sinh-ton-ar884256.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/phat-trien-qua-nhanh-cac-cong-ty-cong-nghe-cao-trung-quoc-vat-lon-sinh-ton-ar884256.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phát triển quá nhanh, các công ty công nghệ cao Trung Quốc vật lộn sinh tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO