Phá hơn 600ha rừng xây hồ thuỷ lợi: Cơ quan thẩm tra của Quốc hội thông tin

06/09/2023 18:00

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, quy trình thẩm tra dự án hồ chứa nước Ka Pét được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Chiều 6/9, trả lời phóng viên VTC News liên quan việc tỉnh Bình Thuận cho phá bỏ hơn 600ha rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - bày tỏ sự bất ngờ khi những ngày qua dư luận, báo chí phản ánh vấn đề này.

"Từ năm 2019 (dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019) không có ý kiến gì, bây giờ lại có ý kiến nên tôi cũng thấy hơi lạ", bà Thuỷ nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn).

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn).

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, dự án hồ Ka Pét là dự án nhóm B (dự án nhỏ) thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh nhưng do có tiêu chí yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng nên theo quy định pháp luật thì Quốc hội phải cho chủ trương đầu tư. Cùng đó, Chính phủ phải trình hồ sơ chứ không phải UBND tỉnh Bình Thuận.

"Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan thẩm tra về sự cần thiết để thực hiện dự án, phương pháp thực hiện dự án, trình tự thủ tục dự án... Chúng tôi thẩm tra dựa trên số liệu của Chính phủ cung cấp", bà Thuỷ thông tin.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, để có được hồ sơ trình cho cơ quan thẩm tra, Chính phủ phải lập hội đồng cho ý kiến với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành... Chính phủ giao địa phương thuê các đơn vị nghiên cứu có chuyên môn để khảo sát, đánh giá và việc thống kê rừng cũng phải theo các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

"Chúng tôi thẩm tra xem Chính phủ thực hiện quy trình có đúng hay không, còn tính chính xác của số liệu đến đâu thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quy trình thẩm tra của cơ quan thẩm tra diễn ra chặt chẽ, đúng theo quy định của pháp luật", bà Nguyễn Thị Lệ Thủy khẳng định.

Bà Thuỷ cho biết, hồ sơ dự án hồ chứa nước Ka Pét nói riêng và các dự án khác nói chung trước khi được đặt trên bàn của cơ quan thẩm tra phải đầy đủ thành phần, đủ ý kiến, đúng quy định thì mới được tiếp nhận.

Sau khi nhận hồ sơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiến hành thẩm tra sơ bộ bằng việc đi khảo sát. Tuy vậy, bà Thuỷ cũng cho hay mức độ khảo sát sẽ mang tính tương đối, không thể đi hết hơn 600ha dự án. Tiếp đó, cơ quan thẩm tra sẽ mời Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến vào kết quả thẩm tra sơ bộ.

"Sau khi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cho ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh sửa. Kế đó là xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi mới trình ra Quốc hội. Ra Quốc hội lại xin ý kiến của 500 đại biểu, nâng lên đặt xuống mới bấm nút thông qua chứ không đơn giản mà có dự án đó được", bà Thuỷ nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho hay, khi dự án được thông qua, Quốc hội ban hành nghị quyết, trong đó giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện giám sát hàng năm cho đến khi dự án hoàn thành.

"Chúng tôi giám sát các nội dung trong nghị quyết có được thực hiện đúng hay không, nếu thực hiện không đúng thì lý do là gì? Cơ quan giám sát sẽ báo cáo lại để Quốc hội cho ý kiến", bà Thuỷ nói.

Mô phỏng Hồ Ka Pét sau khi hoàn thành. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận).

Mô phỏng Hồ Ka Pét sau khi hoàn thành. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận).

Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, bà Thủy nhận định đây là vùng khô hạn nhất nhì của cả nước. Trong năm mưa ít, chỉ tập trung trong một thời gian ngắn, những tháng còn lại thì nắng hạn. Địa hình khu vực lại dốc từ phía Tây sang Đông nên nước mưa đổ hết xuống biển. Điều này khiến người dân địa phương nghèo khó do không có nước canh tác, một năm chỉ sản xuất vài tháng.

"Thật sự là rừng khu vực này cũng không tốt vì quanh năm hạn hán. Còn chất lượng gỗ tốt đến đâu thì khảo sát mới biết. Tôi tin rằng trong quá trình khảo sát, người ta đã đặt ra nhiều mặt lợi, hại nên mới quyết định đầu tư dự án này", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói thêm.

Chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha (tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu).

Trong đó, đất có rừng khoảng 620ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95ha (giảm 24,6ha), đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha (giảm 5,13ha).

Anh Văn

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/pha-hon-600ha-rung-xay-ho-thuy-loi-co-quan-tham-tra-cua-quoc-hoi-thong-tin-ar817944.html
Copy Link
https://vtc.vn/pha-hon-600ha-rung-xay-ho-thuy-loi-co-quan-tham-tra-cua-quoc-hoi-thong-tin-ar817944.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phá hơn 600ha rừng xây hồ thuỷ lợi: Cơ quan thẩm tra của Quốc hội thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO