PGS.TS Trần Lê Hưng, Trường Đại học Kỹ sư Paris (EIVP), Đại học Gustave Eiffel (UGE), Ban chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Global VYSA). |
- Thưa ông, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Global VYSA) được ra đời như thế nào?
Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu hình thành năm 2018. Kể từ khi thành lập tới nay, Mạng lưới đã đi vào hoạt động dưới hình thức sinh hoạt diễn đàn thường niên với nhiều chủ đề mang tính thời cuộc và quy tụ gần 1.000 đại biểu, đã và đang học tập, nghiên cứu, làm việc tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và Việt Nam.
Ngoài việc kết nối các thành viên theo chuyên ngành dọc thì mạng lưới cũng phát triển theo khu vực địa lý. Việc này tạo nhiều kết nối và cơ hội cho các thành viên, góp phần hỗ trợ mạng lưới phát triển bền vững.
Hiệp hội Học sinh Hà Nội – Amsterdam (HAO) được nhắc tới là tổ chức tập hợp các cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, một ngôi trường giàu thành tích ở Hà Nội. Nhiều cựu học sinh của trường đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, những nhà quản lý kinh tế, hoạt động xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và thế giới.
Điều đó cho thấy rằng hoạt động của hai tổ chức trên không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những sáng kiến, đóng góp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ hay kinh tế - xã hội mà còn hướng đến việc phát huy vai trò quảng bá hình ảnh, kết nối Trí thức trẻ kiều bào.
Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, những hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn và chưa được phát triển như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, có thể kể đến như: cơ chế hoạt động, mô hình tổ chức, kinh tế hay sự hấp dẫn chương trình và sự hưởng ứng tham gia, quan tâm của từng cá nhân.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của kiều bào trẻ trong công cuộc phát triển quê hương đất nước?
Thế hệ trẻ kiều bào đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các hội đoàn ở nước ngoài. Không chỉ là lực lượng kế cận, họ còn là nguồn nhân lực nòng cốt, mang đến sức sống mới cùng những ý tưởng sáng tạo, kết hợp khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại để đổi mới phương thức hoạt động, giúp các tổ chức ngày càng hiệu quả và phù hợp hơn với bối cảnh mới.
Các tổ chức như Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu hay Hiệp hội Học sinh Hà Nội – Amsterdam là minh chứng rõ rệt cho sự phát huy hiệu quả của mô hình này.
- Vậy theo PGS.TS, cần có những chính sách gì để khuyến khích thế hệ trẻ tham gia công tác hội đoàn, xây dựng quê hương đất nước?
Tôi đề xuất một số giải pháp để nâng cao tầm quan trọng và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào trong tiến trình hội nhập, phát triển của đất nước...
Một là, cần cụ thể hóa, tổ chức đưa các chương trình, hoạt động kết nối giao lưu trí thức trong nước và ngoài nước thường niên, theo từng nhóm chủ đề, bám sát với tình hình phát triển đất nước, phát huy vai trò làm chủ, tạo khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ hiện nay.
Việc này cần sự phối hợp, tổ chức chặt chẽ của cơ quan trong và ngoài nước, thành lập, đưa vào hoạt động và duy trì mô hình tổ chức tập hợp các trí thức, thanh niên, tạo sân chơi, kênh diễn đàn, đồng hành cùng các sự kiện lớn, đóng góp vào phát triển chung của đất nước. Trong mô hình tổ chức này cũng nên có một cơ chế khen thưởng với từng cá nhân xuất sắc, có đóng góp tích cực trong hoạt động kết nối trí thức.
Hai là, tăng cường kết nối, giao lưu thế hệ trẻ trong và ngoài nước qua nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta cần nhiều hơn những hoạt động bởi thế hệ trẻ kiều bào là nhịp cầu nối quan trọng hỗ trợ tăng cường giao lưu Việt Nam và bè bạn quốc tế….
Cần thường xuyên có kênh trao đổi, hoạt động trong năm (seminar, tọa đàm khoa học…) cùng bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra giải pháp đối với từng nhóm vấn đề quan trọng của đất nước. Cần thiết những buổi tọa đàm có thể tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp, trực tuyến hay kết hợp cả 2 hình thức trên. Việc làm việc trực tuyến sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, việc giao lưu trực tiếp vẫn sẽ mang lại nhiều màu sắc khác như giao lưu, kết nối, học hỏi, đặc biệt những chương trình tổ chức trong nước sẽ tăng phần làm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam đối với những bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Ba là, tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam. Mỗi thanh niên sẽ là một đại sứ, giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Việc làm này không chỉ giúp văn hóa người Việt được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn được phổ biến rộng rãi, mang hình ảnh đẹp của người Việt Nam ra khắp năm châu. Điều này giúp người Việt có thêm hành trang để hội nhập sâu rộng hơn với sở tại, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V năm 2022. |
Bên cạnh đó, việc tổ chức các chương trình giao lưu thanh thiếu niên trong nước và ngoài nước cũng nên được đưa ra bàn luận. Điều này hỗ trợ thanh niên trong nước năng động hơn, nâng cao kỹ năng mềm như giao lưu văn hóa, cùng học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn. Những chương trình này có thể kết hợp với Trung tâm Phát triển hợp tác Quốc tế thanh niên (CYDECO), Trung tâm hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam (VYSC) cùng các hội người Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, chú trọng công tác tuyên truyền, phố biến thông tin, chính sách pháp luật tới thế hệ trẻ kiều bào. Thế hệ trẻ kiều bào, với khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, có thể giúp truyền tải nhanh chóng và hiệu quả, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ và đúng những chính sách, pháp luật mà Đảng, nhà nước ban hành, đập tan những luận điệu sai trái, xuyên tạc, không mang tính xây dựng, thù địch….
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS!