Nvidia vượt 'ông lớn' Google và Amazon, Gojek phủ nhận sáp nhập Grab

17/02/2024 08:58

Nvidia vượt 'ông lớn' Google và Amazon; Gojek phủ nhận sáp nhập Grab... là những thông tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần này.

Nvidia vượt 'ông lớn' Google và Amazon

Theo Forbes, giá trị thị trường Nvidia đã vượt qua những “ông lớn” Alphabet (Công ty mẹ của Google) và Amazon hồi đầu tuần.

Đây được xem là chiến thắng khó tin nhưng đã xảy ra nhờ cổ phiếu Nvidia tăng gấp hơn 4 lần trong 15 tháng qua.

Cụ thể, cổ phiếu Nvidia đã tăng gần 3% lên mức cao nhất mọi thời đại, hơn 740 USD, nâng vốn hóa lên 1,83 nghìn tỷ USD, vượt qua vốn hóa 1,82 nghìn tỷ USD của Alphabet và 1,8 nghìn tỷ USD của Amazon, đánh dấu hành trình ấn tượng của Nvidia khi phố Wall đổ xô mua cổ phiếu giữa cơn sốt AI.

Cho đến nay, Nvidia là nhà sản xuất công nghệ chip bán dẫn AI nổi trội nhất, không chỉ vì tiềm năng của Nvidia trong việc tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng và chi tiêu doanh nghiệp trong AI, mà còn do kết quả bùng nổ của hãng.

Nvidia sẽ công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 trong tuần tới. Các nhà phân tích dự đoán công ty tiếp tục có thêm một quý doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.

Gojek phủ nhận sáp nhập Grab

Hôm 13/2, GoTo – công ty mẹ Gojek – lên tiếng phủ nhận thông tin nối lại đàm phán sáp nhập với đối thủ Grab.

Trong thông báo, GoTo nhấn mạnh “tại thời điểm hiện tại, công ty không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về những việc như vậy”.

Công ty đưa ra bình luận sau khi Bloomberg đưa tin GoTo và Grab đã bắt đầu lại các cuộc đàm phán về khả năng sáp nhập.

GoTo cho biết vị thế tài chính của mình ngày càng mạnh mẽ và đã đạt mục tiêu EBITDA điều chỉnh tích cực trong quý IV/2023.

“Gã khổng lồ” công nghệ Indonesia sẽ công bố kết quả kinh doanh quý cuối năm 2023 và cả năm 2023 vào tháng 3.

GoTo thành lập tháng 5/2021 từ vụ sáp nhập “bom tấn” giữa hai startup lớn nhất nước: Gojek và Tokopedia.

New York kiện TikTok, Facebook, YouTube

Hôm 14/2, Thị trưởng thành phố New York Eric Adams cho biết chính quyền của ông đã đệ đơn kiện các công ty mẹ của TikTok, Instagram, Facebook, Snapchat và YouTube, cáo buộc rằng các dịch vụ của họ đang gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của thanh niên và trẻ em tại đây.

Đơn kiện cáo buộc rằng Meta, Snap, ByteDance và Google cố ý "thiết kế, phát triển, sản xuất, vận hành, quảng bá, phân phối và tiếp thị nền tảng của họ để thu hút và gây nghiện cho thanh thiếu niên, với sự giám sát tối thiểu của cha mẹ”.

Các nguyên đơn tố cáo các hãng công nghệ đã vi phạm một số luật của thành phố liên quan đến phiền toái công cộng và sơ suất nghiêm trọng thông qua việc thiết kế và tiếp thị các sản phẩm gây nghiện.

Họ tuyên bố các khu học chánh của New York và các dịch vụ y tế, xã hội khác nhau đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những đứa trẻ phải chịu hậu quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần bắt nguồn từ việc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội phổ biến.

Trong một diễn biến khác, một liên minh gồm hơn 40 Tổng chưởng lý đã đệ đơn kiện liên bang chung chống lại Meta với cáo buộc rằng các sản phẩm của họ gây nghiện và gây hại cho sức khỏe tâm thần.

100 vệ tinh Starlink có thể rơi xuống Trái Đất

Trong thông báo hôm 12/2, SpaceX cho biết trong những tháng tới, công ty sẽ thực hiện loại bỏ có kiểm soát khoảng 100 vệ tinh Starlink phiên bản đầu tiên.

Các vệ tinh này gặp phải vấn đề chung là có thể tăng khả năng hỏng hóc và không còn điều khiển được trong tương lai.

Công ty xác định hoạt động loại bỏ với hầu hết vệ tinh nói trên sẽ mất khoảng 6 tháng.

SpaceX đang có 5.438 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo trong tổng số 5.828 vệ tinh đã phóng tính đến nay, theo Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian, người theo dõi các vệ tinh internet của SpaceX.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nvidia-vuot-ong-lon-google-va-amazon-gojek-phu-nhan-sap-nhap-grab-2249826.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nvidia-vuot-ong-lon-google-va-amazon-gojek-phu-nhan-sap-nhap-grab-2249826.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nvidia vượt 'ông lớn' Google và Amazon, Gojek phủ nhận sáp nhập Grab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO