Tranh cãi việc có được nuôi chó, mèo trong chung cư
Sự việc cô gái nuôi 19 con chó trong 1 căn chung cư ở Quận 7- TP HCM vừa qua được nhiều người đặc biệt quan tâm. Vì nuôi quá nhiều chó đã gây ra những ảnh hưởng xấu đến đời sống cá nhân của các cư dân xung quanh nên họ đã yêu cầu cô gái phải chuyển đi, dù ban quản lí đã có những hỗ trợ để giải quyết vấn đề nhưng cô gái không đồng ý và bỏ lại 19 chú chó giữa đường.
Sự việc hiện nay vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận, đa số mọi người đều tỏ ra khó hiểu tại sao có thể nuôi được 19 con chó trong một căn hộ.
Cũng tại Q7 vào tháng 2/2023, xảy ra vụ hành hung người xuất phát từ... chó. Theo đó, vào tối 2/2 ông Đ.T.V (28 tuổi, ngụ tại chung cư Q7 Saigon Riverside) dắt chó xuống sảnh chung cư và không rọ mõm, không xích.
Lúc này, anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi, cùng ngụ chung cư) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư. Con chó của anh Vinh cũng ở đây và liên tục tiến gần tới chỗ con trai anh Dũng.
Lo sợ con trai bị chó cắn, anh Dũng dùng chân đẩy con chó ra thì bị anh Vinh đến và đấm mạnh vào mặt. Anh Dũng ngã xuống nền nhà, đồng thời mắt kính của anh Dũng bị vỡ, đâm vào mắt gây chảy máu, vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng...
Từ những vụ việc trên, xảy ra nhiều tranh luận chung cư có được phép hay không nuôi chó, mèo....
Được hay không cũng cần sự đồng thuận của số đông
Với một chung cư cụ thể, việc được hay không được nuôi thú cưng sẽ được thảo luận và quyết định tại hội nghị nhà chung cư.
Trường hợp chung cư cho phép nuôi thú cưng, cư dân phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, không để con vật phóng uế bừa bãi, đeo rọ mõm cho chúng khi đến những khu vực công cộng.
Nếu chung cư chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư thì cư dân được nuôi chó, mèo. Họ có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm.
Về quy định xử phạt khi cư dân nuôi thú cưng làm ảnh hưởng đến người khác, ban quản lý chung cư có thể phạt tiền hoặc các hình thức khác như cảnh cáo, nhắc nhở,... chứ không nên dùng biện pháp cắt điện, nước của căn hộ.
Trong trường hợp chủ nuôi và ban quản lý chung cư không tìm được tiếng nói chung, cư dân có thể khởi kiện ra tòa. Ngược lại, nếu người nào cảm thấy bức xúc vì thú cưng của nhà hàng xóm làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng có thể khởi kiện.
Nếu chung cư nào cũng thực hiện được những điều này, cư dân nào nuôi thú cưng cũng đảm bảo được mình không vi phạm quy định thì đã chẳng có lời qua tiếng lại nào.
Quan trọng nhất là ý thức
Thực chất, việc cấm nuôi thú cưng trong chung cư phần nhiều xuất phát từ lí do thiếu an toàn gây nguy hiểm cho người, cùng lúc ảnh hưởng môi trường sống xung quanh.
Chính vì thế người nuôi cần có ý thức bảo vệ an toàn cho người xung quanh bằng cách rọ mõm mỗi khi ra nơi công công cộng.
Bên cạnh đó, cũng cần ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho chung cư, khu vực căn hộ mình sống.
Ngoài ra tuân thủ đúng theo quy định chung cư như di chuyển bằng thang máy riêng...