Tuy chỉ có một chân nhưng chị Bế Thị Băng có thể đi, đứng, nhảy múa, đạp xe... và hết lần này đến lần khác, nữ bác sĩ dân tộc Tày đã làm nên những kỳ tích khó tin trong đời.
Nữ bác sĩ "sợ xe lăn"
Nữ bác sĩ Bế Thị Băng người dân tộc Tày (ở Cao Bằng) trở thành người khuyết tật sau một tai nạn năm 24 tuổi khiến một chân của chị phải cắt bỏ. Khi đó, Băng vừa tốt nghiệp chuyên ngành Y khoa, Đại học Thái Nguyên được một thời gian và cô về Hà Nội lập nghiệp.
Sống sót sau biến cố lớn của cuộc đời, đó là mất đi một bên chân sau tai nạn giao thông, nhưng nghị lực vươn phi thường đã giúp chị nhanh chóng lấy lại được tinh thần trong cuộc sống.
Nhớ về tai nạn cách đây 11 năm, nữ bác sĩ sinh năm 1987 tự nhận rằng mình có một cuộc đời, hai cuộc sống khi đang có tất cả mọi thứ rồi lại mất tất cả khi tai nạn ập đến. Khi nghe bác sĩ nói với bố mình rằng "ca phẫu thuật chỉ tạm thời cứu mạng sống và giúp cầm máu, bệnh nhân chỉ có 5% cơ hội sống sót. Nếu có sống, con của bác sau này chỉ có ngồi trên xe lăn thôi, không thể đứng được nữa".
"Tôi giơ tay lên đếm, rồi vẫn nhớ mình là một bác sĩ nha khoa, có bố mẹ, có 2 đứa em, vậy là đầu óc mình vẫn bình thường, không bị ngớ ngẩn. Vậy thì chắc sống được"- chị Băng nhớ lại. Vượt qua nỗi sợ hãi, chị tự trấn an rằng mình phải sống, phải tập đứng dù có khó đến mức nào.
Chị đã bắt đầu lại mọi thứ như đứa trẻ. Từ việc tập đi cho đến lấy lại sự thăng bằng, tập làm quen với hoạt động sinh hoạt cá nhân, tập làm quen với cuộc sống mới. Trải qua biết bao đau đớn, biết bao lần ngã với vết thương chưa lành hẳn, nhưng điều đó không làm quyết tâm đứng trên một chân của Bế Thị Băng giảm đi. Khi đặt bước chân đầu tiên lên nền nhà, Bế Thị Băng tự tin với bản thân sẽ đứng vững, đứng chắc trên chiếc chân còn lại này.
"Sống sót sau tai nạn, khi ra viện nghe bác sĩ nói khả năng tôi phải ngồi xe lăn cả đời khiến tôi bắt đầu sợ. Tôi sợ cuộc sống của mình sẽ bị phụ thuộc vào người thân và sợ nhất là làm gánh nặng cho gia đình và bố mẹ tôi. Sau khi tôi tháo chân hơn 1 tháng, bố tôi đi xin từ thiện ở xã được một chiếc xe lăn"- nữ bác sĩ nhớ lại.
Ngày ngày bố của chị gọi điện thoại nói sẽ xuống Hà Nội đưa chị về quê tập đi xe lăn, khi đó chị đã rất dứt khoát nói "không về để ngồi xe lăn". Từ đó, không ít lần bố gọi điện thoại, chị Bế Thị Băng không dám nghe máy mà chỉ ôm điện thoại và khóc.
"Sợ xe lăn" là một trong những động lực giúp nữ bác sĩ quyết định tự mình tập đứng và tập đi bằng nạng gỗ. "Tôi đã cố gắng ngày đêm để tự mình tập đứng, dù biết rất khó, nhưng vì cha mẹ, tôi không cho phép bản thân yếu đuối"- bác sĩ Băng tâm sự.
Trải qua những chuỗi ngày bi quan, tuyệt vọng sau tai nạn, đến nay bác sĩ Bế Thị Băng tự tin có thể đứng được 4-5 tiếng đồng hồ mà không cần nạng gỗ. Nhiều người đã đặt cho chị biệt danh "người phụ nữ đứng bằng một chân lâu nhất Việt Nam".
11 năm qua, chị chưa từng ngồi xe lăn, thậm chí còn đi giày cao gót, nhảy múa như một vũ công chuyên nghiệp với chiếc giày cao 10-12 cm. Chị cho biết khi đã đứng vững, chị đã xem các video nhảy múa trên mạng rồi học theo.
"Khoảng sân thượng tầng 2 ngôi nhà ở Cao Bằng là nơi tôi thường trốn mẹ lên đó tập múa. Tôi học được cách giữ thăng bằng, lắc hông, nhảy hay xoay người chỉ với một chân. Dĩ nhiên, để nhảy múa chỉ với một chân tôi đã bị vô số các vết bầm tím, thương tích trên người"- chị nhớ lại.
Lan tỏa những câu chuyện tích cực
Đêm chung kết cuộc thị "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" năm 2019, Bế Thị Băng đã khiến mọi người sững sờ, xúc động và ấn tượng mạnh với vũ điệu bốc lửa, quyến rũ, tự tin chỉ với một chân, điều mà người có đủ hai chân cũng khó mà làm được.
Tại cuộc thi đó, chị đã trở thành Hoa khôi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết, ngoài ra còn xuất sắc giành thêm 2 giải thưởng phụ là giải thí sinh được yêu thích nhất và giải tài năng. Sau cuộc thi, Băng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xuất hiện trong những buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, người yếu thế. Câu chuyện của nữ bác sĩ nha khoa một chân nhưng những nỗ lực phi thường khiến nhiều người ngưỡng mộ, thán phục.
"Tôi hạnh phúc khi câu chuyện buồn của mình mang lại niềm tin, cảm hứng sống, nghị lực cho những người kém may mắn. Thiếu một chân, một tay hay khuyết đi phần nào đó trên cơ thể không đáng thương và tội nghiệp như nhiều người nghĩ. Chúng tôi sống lành lặn theo cách riêng của mình"- Băng cười tươi thổ lộ.
Nói về hành trình "làm mới" bản thân, nữ bác sĩ cho biết trước đây chị đi giày cao gót là để luyện giữ thăng bằng. Sau này khi khi đứng được trên giày cao gót, chị mạo hiểm tập múa như để rèn luyện sự thăng bằng.
"Tôi đã từng nghĩ điều này chẳng giống ai và nó khá kỳ lạ khi một chân đi nạng không vững còn đi guốc cao nhưng tôi tự nhận thấy rằng: Tôi chỉ tự tin hơn khi tôi đứng trên giày cao gót, bởi khi đó tôi được sống là chính mình. Khi bạn là chính mình chắc chắn bạn sẽ luôn tự tin và yêu bản thân hơn"- chị Băng chia sẻ.
Không chỉ biết đứng lâu, leo cầu thang, nhảy múa, khiêu vũ, nhảy dây, Bế Thị Băng còn có thể bơi, đi xe đạp, cưỡi ngựa chỉ với một chân. Giờ đây mỗi chiều cuối tuần, cô thường đạp xe ra công viên gần nhà ở Hồ Tây để ngắm cảnh, thư giãn.
Chị cho biết: "Điều quan trọng để tôi có thể tạo ra những điều phi thường đó sau 11 năm bước ngoặt từ tai nạn giao thông, rất đơn giản thôi đó là tôi không muốn sống một cuộc đời vô nghĩa.
Mình có mặt trên thế gian này là may mắn, sự sống sót từ 5% hi vọng trước đây làm tôi quý trọng sự sống và biết yêu thương chính mình hơn. Tôi coi bước ngoặt của mình là cơ hội để thay đổi lối sống, thay vì an phận khóa cuộc đời mình lại thì tôi chọn sống hòa nhập, suy nghĩ cởi mở hơn".
Bất hạnh cũng là…một tài sản
"Nhiều người có hỏi rằng "Tôi đã biến bất hạnh của đời mình thành tài sản như thế nào? Có thể mọi người sẽ nghĩ rằng tài sản phải là một thứ gì đó với giá trị kinh tế cao nhưng với tôi thứ tài sản duy nhất mà tôi có chắc có lẽ là khiếm khuyết này, bởi nó như người bạn thứ 2 của tôi vậy - người mà tôi đã chấp nhận để sống chung với nó trong nhiều năm qua và cả sau này"- chị Bế Thị Băng nói.
Thay vì giấu đi khiếm khuyết, Băng làm điều ngược lại, chọn đối mặt với khiếm khuyết, coi nó như một món quà. Bản thân chị tự ý thức thấy rằng điều đó là cần thiết và có ý nghĩa.
Qua câu chuyện của chính mình Hoa khôi Vầng trăng khuyết cũng muốn gửi gắm đến những người đồng cảnh rằng "hãy tự đặt ra cho mình những mục tiêu, những giấc mơ, tự mình định hướng lại cuộc sống, xác định và xây dựng làm những gì mà bản thân mong muốn và tích cực nhất. Dám bứt phá để khẳng định chính mình, hãy tự mình làm chủ chính mình, đó mới là đích đến thành công của một người khuyết tật".
Nói về công việc của một bác sĩ nha khoa, chị Băng cho biết sau khi xảy ra tai nạn ít năm, chị được bác sĩ người quen tạo điều kiện làm việc tại một phòng khám. Sau này, chị cùng một người bạn mở phòng khám riêng, kinh doanh và dần ổn định cuộc sống.