NSƯT Thành Lộc: ‘Ăn tát, đi chân không, đội tóc giả mà hy sinh cái gì?’

An Nhiên (Tổng hợp)| 25/03/2023 06:00

Trước phát ngôn gây tranh cãi của Trấn Thành, những chia sẻ của NSƯT Thành Lộc được “đào bới” lại và chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nghệ sĩ gạo cội từng trả lời rất thẳng thắn về quan điểm: hy sinh vì nghệ thuật.

Những ngày qua, phát ngôn của Trấn Thành: “Nghề này khó nuốt lắm quý vị. Ai muốn tiền, muốn danh tiếng thì nếm thử hào quang để biết nó là gì” được dịp thổi bùng “ngọn lửa” tranh cãi trên mạng xã hội.

Xem thêm: Trấn Thành khóc nức nở: ‘Ai thích hào quang thì cứ nếm để biết nó là gì’

Phần lớn cư dân mạng đều phản đối Trấn Thành khi anh quá lạm dụng nước mắt và “than nghèo kể khổ” trong khi còn rất nhiều ngành nghề trong xã hội, họ lặng lẽ hy sinh và chịu đựng, nhưng không than vãn.

Trong khi mạng xã hội “ném đá” Trấn Thành thì cũng nhân dịp này, những phát ngôn của NSƯT Thành Lộc được tìm lại và lan toả rộng rãi.

thanhloc.jpeg
NSƯT Thành Lộc cho rằng làm nghề diễn thì việc hy sinh là bắt buộc, không nên kể lể để khán giả cười chê

1. Tôi nghe một cô người mẫu lần đầu đóng phim lên báo tuyên bố rằng cô ấy đã hy sinh rất nhiều cho vai diễn. Đó là việc cô phải đi chân không trên cánh đồng. Trời ơi, công việc mà, có gì để gọi là hy sinh? Nếu không muốn thì trả vai đi, đâu có ai ép. Đã là diễn viên chuyên nghiệp thì buộc phải hy sinh. Nhưng cởi chân không mà hy sinh cái gì? Tôi đạp trên đinh tôi còn không cho khán giả biết, việc gì mà phải kể lể như vậy.

Tôi còn nhớ một cô diễn viên cũng lên báo nói rằng cô phải chịu áp lực ghê gớm khi đội tóc giả trong suốt hơn 40 tiếng đồng hồ. Ủa, đội tóc giả chứ phải đội gai đâu, làm gì mà gọi là hy sinh?

thanhloc3.jpeg
Nam nghệ sĩ gạo cội thường nói thẳng quan điểm với nghề, không né tránh

Nhiều khi diễn viên chuyên nghiệp như chúng tôi nghe nói vậy mắc cười lắm. Qua xem cải lương kìa, diễn viên phải đội cái mão to đùng làm cái đầu nhức đầu bưng bưng, vì trước đó phải quấn bao nhiêu sợi lụa và siết chặt. Một bộ trang phục có khi nặng đến 20-30 kg, vừa đánh võ xong phải ca vọng cổ luôn.

Đóng phim thì phải tát thiệt, có vài cái tát thôi mà, gì dữ vậy mà phải nói là hy sinh? Nên thôi, bớt bớt lại, đừng nói quá về công việc này nữa. Bởi vì đã chấp nhận xem đó là nghề, là lẽ sống là phải hy sinh. Nói cách khác, bạn làm công việc đó có tiền mà, bộ làm không hả? Ký một hợp đồng mấy trăm triệu, ăn cái tát có sao đâu, có gì mà hy sinh? Đừng kể khổ cho khán giả nữa, chỉ thấy mắc cười thôi".

2. "Bước ra sân khấu, mình đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con, sôi máu mắt để diễn một phân đoạn nào đó xuất thần, lấy được nhiều tràng pháo tay của khán giả. Hoặc ví dụ, tôi xem một talkshow trên truyền hình, có những người là tiến sĩ có học thuật cao, họ truyền đạt kiến thức, những nghiên cứu của cả đời.

thanhloc6.jpeg
Thành Lộc tâm sự nghề này còn lắm bất công. Ảnh: VTC News

Nhưng mấy ai mở tivi lên xem đâu? Những cuộc nói chuyện như vậy với kinh phí eo hẹp, chỉ trả thù lao mấy trăm nghìn đồng cho bao nhiêu năm họ ăn học. Nhưng một người chơi gameshow chỉ làm những chuyện tôi thấy hết sức vô duyên. Mà cái sự vô duyên ấy lại chọc cười một nghệ sĩ lớn nào đó và họ được mấy chục triệu.

Rõ ràng đây là sự nghịch lý rất lớn trong cuộc đời. Nó làm tôi bị tổn thương. Thật ra, tôi tự tổn thương mình thôi, có ai làm tổn thưởng đâu. Tự nhiên tôi đau lòng giùm cho người khác. Trong cuộc đời này có bình đẳng đâu, nó luôn bất công như vậy đó".

3. "Nghệ sĩ khi còn trẻ lao vào làm đủ thứ để có tiền. Nhưng khi thành công phải đến lúc biết nói câu từ chối và tìm đúng con đường đi để thoả mãn đam mê.Tôi từng nói với nhiều diễn viên trẻ rằng kiếm tiền không bao giờ đủ, nhưng người nghệ sĩ yêu nghề là phải biết từ chối. Con đường nghệ thuật đôi khi sẽ đứng trước ngã ba nên cần phải biết chọn lối đi đúng đắn. Người nghệ sĩ chân chính được đào tạo không phải để làm chuyện tào lao.

thanhloc5.jpeg
Anh nói nghệ sĩ phải có tự trọng, đừng chỉ chăm chăm kiếm tiền. Ảnh: VTC News

Nếu tham gia trò chơi truyền hình thì sẽ kiếm rất nhiều tiền, nhưng tiền xài bao nhiêu rồi cũng hết. Quan trọng chính là giá trị để lại với nghệ thuật sẽ không còn nhiều.Thậm chí có nhiều người mới năm trước là thí sinh, năm sau đã trở thành giám khảo. Chỉ xem thôi tôi đã thấy bản thân tổn thương quá nhiều thì làm sao có thể nhận lời tham gia.

Khi một nghệ sĩ góp mặt trong chương trình truyền hình nào đó, ít nhiều chúng ta sẽ phải phô diễn những gì thuộc về con người thật. Rồi khi bước vào thế giới nhân vật trong một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó công chúng sẽ hết tin vào sự hóa thân của diễn viên.

Nói gì thì nói, giữa nghệ sĩ và công chúng phải có một khoảng cách an toàn. Khoảng cách đó chính là độ lung linh để khi nhập vai, diễn viên thuyết phục được khán giả. Nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ tham gia quá nhiều game show và phô diễn hết con người thật trên đó. Đó là cái dại của họ".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Thành Lộc: ‘Ăn tát, đi chân không, đội tóc giả mà hy sinh cái gì?’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO