Nơi sông Mekong chảy vào đất Việt

24/06/2024 16:25

Miền Tây trong tôi là tình thương và nỗi nhớ. 12 năm sống thời thơ ấu ở An Giang nơi có hai con sông Tiền và Hậu đưa nước phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long, là 12 năm thương nhớ.

Mùa nước nổi là một hiện tượng tự nhiên ở đồng bằng Tây Nam Bộ, khi nước từ con sông Mekong xuyên quốc gia, từ Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia đổ về chốn này, mang theo phù sa ngọt lành cung cấp cho miền đồng bằng. Trên đất nước Việt Nam, chỉ duy nhất ở miền Tây Nam Bộ mới có mùa nước nổi. Khi ấy, dường như cả một khu vực rộng lớn miền Tây cũng đều trở thành một con sông mênh mông không nhìn thấy bến bờ. Các cánh đồng cũng trở thành những con sông tạm thời.

Mùa nước nổi thường về trong ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, sau đó rút đi. Mùa nước nổi không chỉ cung cấp phù sa phì nhiêu cho Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là dịp để lũ về rửa sạch sâu bệnh trên các thân cây. Miền đất đồng bằng được dịp nghỉ ngơi để sang năm lại cho những vụ mùa mới. Người dân ngưng trồng trọt, khai thác nông nghiệp, chuyển sang khai thác nguồn thủy sản dồi dào. Đặc sản mùa này là bông điên điển và cá linh, hoa sen và hoa súng. Nhưng tiếc là những năm gần đây, Trung Quốc xây nhiều đập ở thượng nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc, nên mực nước sông Mekong dần cạn, dẫn đến việc mùa nước nổi về chậm và hết sớm, lượng nước về cũng không nhiều như trước.

anh1Hathanhvan.JPG
Cánh đồng mùa nước nổi trở thành sông. Ảnh: Hà Thanh Vân

Chuyến đi về mùa nước nổi của tôi trải qua hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang cùng với những người bạn. Quãng đường vừa đi vừa về tổng cộng hơn 600km. Sở dĩ tôi chọn hai tỉnh này vì An Giang là tỉnh có cả thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu, nơi con sông Mekong đổ vào đất Việt. Vì vậy, mùa nước nổi ở đây là đặc trưng nhất. Còn Đồng Tháp là nơi có nhiều hoa sen nở, khung cảnh lãng mạn, trữ tình, phù hợp với những người yêu hoa sen và muốn cho mình có một bộ ảnh đẹp với hoa sen.

Chúng tôi đi từ tối hôm thứ Sáu để kịp cho ngày thứ Bảy, Chủ nhật có đủ thời gian đi thăm mùa nước nổi. Xuất phát từ 7 giờ tối, đến hơn 12 giờ đêm chúng tôi đến một homestay mộc mạc, dân dã ở huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp. Chờ chúng tôi là một bữa ăn khuya với hai món cháo gà và cháo cá theo kiểu miền Tây. Điều thú vị nhất và có lẽ mới lạ nhất đối với mọi người là chúng tôi ngủ đêm trên những chòi lá ngay trên đầm sen. Chòi lá khá đơn sơ nhưng cũng đầy đủ tiện nghi tối thiểu và sạch sẽ. Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra, bước ra khỏi chòi, chào đón chúng tôi là những bông hoa sen hồng mới nổi, những gương sen non và những lá sen xanh biếc. Khung cảnh mát mắt, thiên nhiên trong lành buổi sáng sớm làm cho lòng người thấy thanh thản, vô ưu.

6 giờ sáng, chúng tôi khởi hành xuống tắc ráng. Tắc ráng là tên gọi của chiếc xuồng có gắn động cơ máy. Mỗi tắc ráng ngồi được 4, 5 người. Từ con kênh trước nhà chúng tôi đi xuồng khoảng 1 km thì ra đến cánh đồng ngập nước. Nước đục màu phù sa. Trời mênh mông, nước mênh mông, trên cánh đồng chỉ có những cây mọc hoang như cây trâm bầu, cây gáo vàng, cây điên điển… nổi trên mặt nước. Từng đàn vịt bơi ngang dọc trên cánh đồng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài con cò lẻ bạn đậu trên cành cây ngơ ngác nhìn chúng tôi. Khung cảnh bình yên, hoang sơ và có chút gì buồn man mác. Tiếng động cơ của những chiếc tắc ráng phá tan sự tĩnh lặng của buổi bình minh. Không khí buổi sáng sớm trong lành, tinh khiết, tôi tranh thủ hít những hơi thở sâu trong lồng ngực. Chúng tôi ghé vào một bụi cây điên điển để hái bông, nhưng chẳng ai nỡ hái, chỉ dừng lại chụp hình làm duyên. Điên điển là loại cây thường nở vào mùa nước nổi, ngoan cường sống trên mặt nước, với sắc màu vàng tươi, trở thành biểu trưng cho miền Tây Nam Bộ.

Rời hàng cây điên điển chúng tôi tiếp tục đi xuồng đến với một cây gáo vàng đang đứng cô đơn trên mặt nước. Cây gáo còn được gọi bằng một cái tên rất đẹp là cây thiên ngân. Có các loại cây gáo vàng, gáo trắng và gáo tròn. Dù được biết cây gáo vàng rất thu hút rắn rết, nhất là mùa nước lũ, song tôi cũng cố gắng trèo lên cây để mọi người chụp cho mình vài tấm hình vui vui, nhớ lại tuổi thơ ngày xưa hay trèo cây trứng cá.

anh2Hathanhvan.jpg
Đi đổ dớn. Ảnh: Hà Thanh Vân

Thăm xong cây gáo vàng, chúng tôi đi đổ dớn. Dớn là một loại lưới tròn hình ống, dùng để bắt cá, cua, ốc. Dớn được giăng khoảng một ngày thì người ta bắt đầu đi đổ. Chúng tôi bắt được rất nhiều cá linh nhỏ và cua. Đổ xong ba chiếc dớn, chúng tôi đến với cây trâm bầu cũng đang đứng cô đơn trên mặt nước để được tận mắt nhìn thấy cái cây trong bài hát “Rặng trâm bầu” nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Mỹ của nhạc sĩ Thái Cơ.

Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu?

Bát ngát xa trông những rặng trâm bầu

Rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu

Uống nước dòng sông vây xanh thắm một màu”.

Cây trâm bầu “cắm sâu vào lòng đất” nên thường được người miền Tây trồng ở bờ kênh, bờ sông để giữ cho đất khỏi lở, cũng trở thành một biểu trưng cho tính cách kiên cường, chịu thương chịu khó của người miền Tây.

Rời khỏi cánh đồng nước nổi với chút lưu luyến, chúng tôi trở về với homestay dân dã để bơi xuồng trên đầm sen. Sen hồng là biểu trưng của tỉnh Đồng Tháp. Đã từ lâu, danh từ “sen” đi vào trong văn chương, nghệ thuật, đặc biệt là trong những bài ca dao, bài hát. Chẳng cần nói đến chuyện sen được coi là quốc hoa của Việt Nam, những hình ảnh hoa sen trong văn học từ miền Bắc đến miền Nam có thể nói đến nhiều không kể xiết. Còn tôi, tôi luôn nghĩ hoa sen giống như một người phụ nữ, khi đương thì nở hoa rực rỡ cho đời hương sắc, khi làm mẹ thì chắt chiu ngọt lành như những gương sen, về già lá trải ra che cho đời con cháu. Nên mỗi khi gặp hoa sen, tôi đều như thấy mỗi chặng của đời người.

Bữa sáng sau khi đi tắc ráng trên cánh đồng ngập nước là một món đặc sản miền Tây: Chúng tôi được đãi món bánh canh xắt nấu với cá lóc và tép tươi, cùng với nước cốt dừa. Vị ngọt của tép tươi, cá lóc tươi hòa quyện với vị ngọt của nước cốt dừa khiến cho món ăn này rất được người miền Tây ưa chuộng.

Giã từ homestay, chúng tôi lên đường đến huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, nơi thượng nguồn sông Tiền. Ngày xưa khi những lưu dân vào khai phá mảnh đất Nam Bộ, họ gặp hai con sông và họ gọi mộc mạc, dân dã con sông gặp trước là sông Tiền, con sông gặp sau là sông Hậu. Cả hai con sông này bắt nguồn từ dòng Mekong, vào Việt Nam thì rẽ thành hai nhánh.

Mekong là một trong những con sông lớn của thế giới, tính theo độ dài là đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 7 ở châu Á. Sông Mekong khởi nguồn từ Tây Tạng, băng qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, chảy qua lãnh thổ các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi chảy vào Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Tôi may mắn vì đã có trải nghiệm ngồi thuyền trên sông Mekong ở các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và tất nhiên là Việt Nam nữa.

anh3Hathanhvan.jpg
Một góc cửa khẩu Thường Phước. Ảnh: Hà Thanh Vân

Tôi đã từng đi theo dòng Mekong theo một phần hành trình của bộ phim tài liệu nổi tiếng “Mekong ký sự” của Đài Truyền hình TP.HCM với 300km ngồi xuồng độc mộc trên dòng Mekong. Bây giờ niềm ao ước của tôi là có một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên thượng nguồn sông Mekong ở Trung Quốc, nơi nó được gọi là sông Lan Thương (theo tiếng Hán) hay sông Trát Khúc (theo tiếng Tây Tạng). Chuyến đi Tây Tạng của tôi mấy năm về trước vì không đủ thời gian, nên tôi không kịp đến với thượng nguồn sông Mekong. Có lẽ phải chờ đến lần sau.

Con sông Mekong là con sông mẹ của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission) được thành lập năm 1995, với 4 thành viên là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia. Còn Myanmar và Trung Quốc là 2 đối tác. Những năm qua, Trung Quốc xây hàng loạt đập ở thượng nguồn sông Mekong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ở các nước lưu vực sông Mekong. Ủy hội sông Mekong đã lên tiếng nhiều lần song vô hiệu. Vì vậy, tương lai của sông Mekong hoàn toàn không khả quan chút nào.

Chúng tôi đến nơi con sông Mekong chảy vào đất Việt ở thượng nguồn sông Tiền nằm bên phía huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cửa khẩu Thường Phước nghèo và buồn, các anh lính biên phòng cho biết không được chụp ảnh cửa khẩu, song có thể chụp ảnh cột mốc và chụp ảnh dòng sông. Tôi đưa tay chào dòng Mekong với cảm xúc như đã từng có khi chào con sông Hồng và con sông Đà chảy vào đất Việt. Cuộc đời lãng du của tôi đã đi qua biết bao nhiêu con sông nổi tiếng. Nhưng không ở nơi đâu có cảm xúc như ở những nơi con sông Hồng, sông Đà và sông Mekong chảy vào đất Việt. Thiên nhiên và lịch sử hòa trộn cùng với nhịp chảy của dòng sông, dễ khơi lên trong lòng người những cảm xúc mênh mang, khó tả.

Tôi chào cột mốc 240 Việt Nam – Campuchia với ý nghĩ để có cột mốc này, Hiệp định phân định đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã trải qua nhiều bước thăng trầm, thậm chí phải sử dụng những tài liệu từ thời Pháp thuộc thế kỷ thứ 19. Sông Tiền mùa này nước đỏ nặng phù sa, dâng cao, mang màu mỡ về cho đồng bằng Tây Nam Bộ. Nước sông chảy mạnh, như cuốn đi hết những nỗi buồn phiền lẩn quẩn trong lòng tôi. Là một người chuyên đi tìm đến với các cột mốc biên giới, từ nay trong hành trang lãng du của tôi có thêm cột mốc thượng nguồn sông Tiền.

Chia tay cột mốc thượng nguồn sông Tiền, tôi qua phà để đến với thượng nguồn sông Hậu thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang ở cửa khẩu Long Bình. Ở cột mốc này thì chúng tôi được chụp hình thoải mái. Xa xa bờ sông bên kia thuộc đất Campuchia có thể nhìn thấy thấp thoáng những sòng bạc. Còn phía Việt Nam chủ yếu là những tàu xúc cát. Cột mốc 246 (1) nằm gần chợ Long Bình thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú. Cột mốc nằm ở giữa một khu đất rộng, có thể làm nơi vui chơi của trẻ em và nghỉ chân của người lớn. Từ góc này, có thể quan sát các nhánh sông Ba Thắc – Bình Di, là những nhánh tạo nên sông Hậu. Cột mốc 246 (1) thuộc Việt Nam, còn hai cột mốc 246 (2) và 246 (3) thuộc Campuchia vì đây là khu vực cho phép ba cột mốc được cắm gần nhau ở những nơi phức tạp, thường là ở ngã ba sông suối nơi biên giới.

anh4Hathanhvan.jpg
Rặng trâm bầu. Ảnh: Hà Thanh Vân

Dòng Hậu Giang cũng như dòng Tiền Giang, mùa này đỏ nặng phù sa, trôi xuôi về Biển Đông.

Hậu Giang ơi nước xuôi xuôi một dòng

Dẫu qua đây một lần

Nói sao cho vừa lòng

Nói sao cho vừa thương

(Bài hát “Chiếc áo bà ba”, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh)

Ừ thì thương lắm, nhớ lắm dòng Cửu Long. Ai đã đến nơi này một lần sẽ cảm nhận được tình người mênh mang như sông nước. Ai đến nơi này một lần sẽ không thể quên.

Gần cột mốc thượng nguồn sông Hậu là ngôi chùa Linh Ẩn nổi tiếng linh thiêng với tượng Phật A Di Đà hai mặt, một mặt nhìn về hướng chùa, hướng Việt Nam, một mặt nhìn sang nước bạn Campuchia. Pho tượng cao 25m, là tượng Phật A Di Đà lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi vào chùa viếng Phật. Sự tĩnh lặng của ngôi chùa vào ngày rằm đáng lẽ phải rất ồn ào khiến cho tôi ngạc nhiên.

Như vậy, chúng tôi đã đến trọn vẹn hai địa điểm nơi con sông Mekong chảy vào đất Việt. Đời người cũng giống như dòng sông, có những lúc thăng trầm, có khi bên lở bên bồi, được và mất song hành. Song ai cũng có nơi mình thuộc về, có một quê hương yêu dấu, như dòng sông luôn có thượng nguồn. Chỉ có tôi là mãi “thiếu quê hương” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) bởi cuộc đời lang bạt quá nhiều.

Hà Thanh Vân

Bài liên quan
  • Say đắm lòng người với vẻ đẹp thiên nhiên Xà Phìn
    Tọa lạc trên độ cao hơn 1.000 m, ẩn mình giữa dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, thôn Xà Phìn hiện lên như một bức tranh hoang sơ, mộc mạc với những ngôi nhà gỗ mái lá cọ rêu phong, nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Dao hiền hòa, chất phác.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nơi sông Mekong chảy vào đất Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO