Sau khi nghỉ việc tại công ty cũ, Nguyễn Mến (28 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) quyết định dành một tháng không làm việc nhằm hồi phục sức khỏe tinh thần. Cô gái trẻ đã đăng ký vào các lớp vẽ tranh thư giãn thông qua lời đề nghị từ bạn bè.
Mến đã đóng 300.000 đồng tiền lệ phí và có mặt tại quán cà phê vào một buổi sáng cuối tuần. Cô gái trẻ sẽ trình bày ý tưởng bức tranh và được thầy hướng dẫn phát một khung giấy, bút vẽ, màu.
Cô gái trẻ có 3 tiếng được thầy chỉ những thao tác cơ bản và cùng những người xung quanh thực hiện bức tranh. Đối với Mến, lớp học không chỉ để vẽ mà còn là nơi dành thời gian giúp cô lắng đọng, thư giãn tinh thần trước thời gian bắt đầu công việc mới.
"Tôi đã có 2 năm làm việc không ngừng nghỉ ở một môi trường áp lực và ít khi quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Đây là lần đầu tôi tham gia lớp học như vậy, việc thể hiện những gì mình nghĩ qua một phương thức thể hiện là tranh vẽ giúp tôi như được chữa lành", Mến nói.
Thời gian gần đây, các quán cà phê kết hợp nhiều buổi workshop thư giãn (hội thảo thư giãn) ngày càng trở nên phổ biến tại các thành phố lớn.
Và ngoài các lớp giảng dạy về lối sống hạnh phúc, nhân sự trẻ không ngần ngại chi tiền để tham gia các khóa học cắm hoa, làm bánh, vẽ tranh, nặn gốm… để tự tạo khoảng thời gian riêng cho bản thân.
Năm 2023, nhận thấy nhu cầu khi giới trẻ ngày càng nhạy cảm hơn với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, Trần Thị Yến Nhi (23 tuổi) đã đưa bộ môn nghệ thuật tiểu cảnh terrarium đến các buổi workshop cà phê tại TPHCM. Trong đó, học viên cần chi khoảng 380.000 đồng cho một buổi học làm cây.
Họ được lựa chọn một vài loại sen đá nhỏ, bình thủy tinh, nước uống và thực hành trồng dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn. "Lớp trải nghiệm được tổ chức định kỳ 2 buổi cuối tuần, với tối đa 12 khách tham gia để tạo trải nghiệm tốt nhất", Nhi nói.
Theo Nhi, đa phần người tham gia đều là nhân viên văn phòng, ở lứa tuổi 25-30. Công việc cường độ cao hằng ngày dễ khiến họ căng thẳng, stress. Chính hoạt động trồng cây tĩnh lặng, tỉ mỉ giúp giảm bớt áp lực, tạo nên mạng lưới xã hội và các mối quan hệ mới mẻ ngoài công việc với những người cảm thấy quá tải vì công việc.
"Hiện dịch vụ đang phát triển hơn do giới trẻ không còn lối mòn tư duy chỉ tập trung tích lũy vật chất. Lối sống chậm giúp mỗi người giảm bớt áp lực, tạo ra khoảng thời gian thư giãn. Ngoài ra, sản phẩm tự tay tạo ra còn khiến học viên tự hào, thúc đẩy lòng đam mê và tinh thần làm việc trong công việc hàng ngày", Nhi nói.
Tương tự, sau khi giảng dạy tại lớp gốm ở trường Overland Club, anh Đắc Đạt (36 tuổi) quyết định mở thêm một lớp gốm thủ công cho riêng mình.
Đối với Đạt, làm gốm là loại hình thư giãn dành cho những người yêu nghệ thuật thủ công, tìm chút nhẹ nhàng, rèn luyện tính kiên nhẫn. Vì vậy, loại hình này nhanh chóng thu hút nhiều đối tượng tham gia.
"Mình tổ chức các buổi học ở các ngày trong tuần với số lượng 6 học viên/buổi. Mỗi người đóng 350 đồng để tham gia hoạt động nhào nặn đất và tạo hình vật phẩm", anh Đạt nói.
Theo Đạt, hiện tại loại hình dịch vụ thư giãn, chữa lành này rất thu hút giới văn phòng vì giúp luyện tập tính kiên nhẫn, lối sống chậm rãi, tĩnh tại.
"Lối sống chậm hiện đang phổ biến tại các thành phố, khai mở cho các loại hình dịch vụ thư giãn như tôi đang làm. Đây là dịch vụ cần thiết trong xã hội hiện đại, để hướng mỗi người dành thời gian, sự quan tâm cho bản thân, điều hòa cuộc sống, khỏe khoắn về tinh thần, tâm lý", Đạt nói thêm.