Nỗ lực ngăn chặn tội phạm mua bán người với biến tướng ngày càng tinh vi trên không gian mạng

Tần Minh (tổng hợp)| 13/08/2024 10:49

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động cần việc làm, các đối tượng mua bán người "sử dụng lòng tốt" để làm chiêu trò "thu nhập ổn định", từ đó làm nhiều gia đình tiền mất tật mang.

Thông qua tài khoản trên mạng xã hội, lợi dụng vào nhu cầu tìm việc vùng thôn quê, bọn tội phạm mua bán người đã giăng bẫy để dụ dỗ, đưa các nạn nhân đến hang ổ, sau đó khống chế bắt tham gia các hoạt động lừa đảo qua mạng hoặc đòi tiền chuộc từ gia đình các nạn nhân.

Mới nhất, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP.Thanh Hóa đã phát hiện hội nhóm "Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi" có một số đối tượng có dấu hiệu hoạt động chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi.

no-luc-ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-voi-bien-tuong-ngay-cang-tinh-vi-tren-khong-gian-mang-bai-1-.jpg
Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Hằng để điều tra tội mua bán người dưới 16 tuổi. Ảnh: Báo Công an nhân dân.

Từ thực tế điều tra của lực lượng Công an cho thấy, nạn nhân mà các đối tượng buôn người nhắm tới thường là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức pháp luật còn hạn chế; phụ nữ bị tổn thương về tình cảm; các cháu gái ở độ tuổi mới lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống…

Đáng chú ý là phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi với quy mô ngày càng phức tạp. Thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước kia, hiện nay, các đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân và đưa ra nhiều "bẫy" hấp dẫn như: Dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao; lập các nhóm kín để nhận con nuôi, mang thai hộ; đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng…

Tại Tây Ninh, sau gần 1 tháng xác lập, triển khai và đấu tranh với đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh đã khép lại khi bắt giữ được 2 kẻ mua bán người xuyên quốc gia và giải cứu thành công nữ nạn nhân, đưa về nước an toàn.

Qua lời kể của nạn nhân, Ban chuyên án cũng đã xác định đối tượng cho đường dây mua bán người vào các công ty cờ bạc để lấy tiền. Cũng theo nạn nhân, hầu hết các cô gái trẻ đều bị các tên quản lý cưỡng bức và xâm hại tình dục nhưng không ai dám phản kháng, lên tiếng vì sợ bị tra tấn, nhục hình…

Tại Đắk Lắk, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh vừa phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh bắt giữ 2 đối tượng để điều tra làm rõ về hành vi “mua bán người”.

no-luc-ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-voi-bien-tuong-ngay-cang-tinh-vi-tren-khong-gian-mang-bai-1-1.jpg
Tuyên truyền Chung tay phòng chống mua bán người vì một xã hội an toàn. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, đầu năm 2024, 2 đối tượng bị bắt giữ đã sang Campuchia làm việc cho các Công ty do người Trung Quốc làm chủ. Chủ Công ty đặt vấn đề tìm người Việt Nam đưa sang Campuchia làm việc.

Hằng ngày, 2 đối tượng lên mạng xã hội để dụ dỗ, lừa đảo người Việt Nam sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”. Đưa được người lao động sang, Công ty sẽ trả chi phí đi lại và các chi phí khác với số tiền là 300 USD. Khi sang Campuchia người lao động ký hợp đồng làm việc 6 tháng và đạt các chỉ tiêu thì Công ty sẽ trả thêm tiền giới thiệu là 500 USD.

Ngoài ra, 2 đối tượng còn được hưởng 5% trên tổng thu nhập mà những nạn nhân làm được. Mặc dù biết rõ điều kiện làm việc của người lao động tại các công ty do người Trung Quốc quản lý rất khắc nghiệt, bị quản thúc, đánh đập khi không đáp ứng yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, 2 đối tượng này vẫn liên hệ về Việt Nam, vẽ ra màn kịch “việc nhẹ lương cao” để đưa 4 nạn nhân sang Campuchia.

Theo Công an tỉnh Tây Ninh, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng Công an và Biên phòng triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công phối hợp triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người.

Qua công tác phối hợp, lực lượng chức năng đã bắt giữ, khởi tố 7 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu 9 nạn nhân, trong đó có 1 nạn nhân từ Malaysia. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phối hợp tiếp nhận, xác minh hơn 1.400 công dân Việt Nam do lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước.

Riêng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng chức năng Campuchia bắt, khởi tố 2 vụ, 10 đối tượng về hành vi mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên không gian mạng. Trong đó, 2 đối tượng cầm đầu tuyển chọn người Việt Nam đưa sang Campuchia bán vào các công ty lừa đảo của người Trung Quốc để hoạt động phạm tội.

Tại Nghệ An, tính từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an xã đã phối hợp với các lực lượng các cấp phá 10 chuyên án mua bán người, bắt 18 đối tượng, giải cứu thành công 12 nạn nhân.

Bên cạnh đó, địa phương cũng quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về địa phương ổn định cuộc sống nhằm đảm bảo nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng và không ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

(còn tiếp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ngăn chặn tội phạm mua bán người với biến tướng ngày càng tinh vi trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO