Nỗ lực bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 01/05/2023 17:37
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan sẽ nỗ lực để đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023.

Ngành xăng dầu còn gặp nhiều khó khăn

Đánh giá về tình hình tình hình cung ứng xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra khá ổn định, nguồn cung tương đối dồi dào, giá cả hợp lý, cơ bản bám sát giá thế giới. Tuy nhiên, trước diễn biến khó đoán định của thị trường thế giới, cùng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp đủ mạnh và khả thi để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường trong mọi tình huống.

​Về tình hình thị trường và nguồn cung xăng dầu trong nước, tình hình sản xuất của 02 Nhà máy Lọc dầu (Bình Sơn và Nghi Sơn) những tháng đầu năm 2023, tổng nguồn cung xăng dầu từ 03 nguồn nhập khẩu, sản xuất và pha chế trong Quý I/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 21,9% tổng nguồn xăng dầu năm 2023, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng: các doanh nghiệp đầu mối, cung ứng xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối; trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính để nhập hàng, cho dù hạn mức tín dụng vẫn đầy đủ, thậm chí dư thừa nhưng điều kiện cho vay rất khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Bộ Công Thương cho biết nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, bởi hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thời điểm không ổn định, ảnh hưởng đến tính chủ động của nguồn cung xăng dầu trong nước. Về nguồn cung nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa làm tốt công tác truyền thông để nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch, không đáng có. Hơn thế nữa, hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.

Triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung

Bộ Công Thương yêu cầu Vụ thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong trường hợp cần thiết, kịp thời tham mưu Bộ xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống;

Đồng thời, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung;

Bên cạnh đó, cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối; tiến tới triển khai quản lý theo thời gian thực từ quý III năm 2023.

Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường trong nước thực hiện việc phân giao, điều chỉnh tổng nguồn cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và quy định tiến độ nhập khẩu xăng dầu cụ thể theo quy định.

Đối với các Doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; các doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu); chú ý theo dõi sát tình hình nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu phù hợp (nhập sớm, đủ số lượng, đúng chủng loại), bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường trong nước thời gian tới;

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên; chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường; các doanh nghiệp đầu mối cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước, trong đó cần cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất cũng như kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký (đồng thời là cơ sở pháp lý khi cần phải đề nghị cơ quan chức năng xử lý);

Các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính – Bộ Công Thương) để có cơ sở cập nhật chính xác các chi phí thực tế phát sinh vào công thức tính giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. ccác doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.

​Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật rà soát, điều chỉnh các chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu tính giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, bảo đảm cao nhất mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong qua trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu trong các kỳ điều hành theo đúng quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối trong việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, tránh sai phạm.

Bộ Công Thương cũng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn (về cả hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn), tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn cho doanh nghiệp để nhập hàng.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và PVN chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu chủ động trong mọi phương diện để đảm bảo hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường trong nước theo cam kết; yêu cầu các Nhà máy khi có sự cố tạm dừng hoạt động sản xuất thì phải kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng và các đầu mối mua hàng trước hàng tháng (trừ trường hợp bị sự cố bất ngờ) để chủ động về nguồn hàng, đồng thời cần hỗ trợ, bồi hoàn kinh phí, tránh gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Khẩn trương làm việc với hai nhà máy lọc dầu để công bố, công khai cụ thể về kế hoạch và khả năng sản xuất, cung ứng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối theo từng tháng, quý trong năm. Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cần có giải pháp quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp để hoạt động ổn định, hiệu quả, bảo đảm thực hiện đúng cam kết với các khách hàng và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO