Như mọi năm, cứ đến đầu tháng Chạp là anh Hùng và chị Mai phải chuẩn bị cho chuyến về quê dài ngày.
Khoản vé máy bay, chị luôn tính mua sớm cho rẻ, nhưng điều ấy bất thành, do rất khó chốt sớm lịch nghỉ. Chị làm cho công ty dịch vụ, càng gần tết công việc càng bận. Anh kinh doanh riêng, nhưng sát tết phải lo công cán, thợ thuyền, phúc lợi cho nhân viên... rất bận rộn. Đến khi anh chị chốt được ngày về chung, chị Mai mới lên mạng xem giá vé, nhìn những con số trước mắt, chị thở dài. Nhà 4 người, mua vé bay khứ hồi là mất cả mớ tiền lớn.
Năm nào tìm vé tết, chị cũng căng thẳng chuyện tiền bạc (Ảnh minh họa) |
Chị lẩm nhẩm tính, báo với chồng, anh cũng thở dài: "Vẫn phải về thôi em ạ, ông bà già yếu, chẳng còn mấy cái tết sum họp".
Từ sân bay Hải Phòng về quê, gia đình chị Mai phải bắt thêm một chuyến xe taxi nữa, giá tiền xe ngày tết cũng không hề rẻ. Mọi năm anh chị làm ăn ổn thỏa nên không mấy áp lực. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, ngồi nhẩm sơ số tiền về tết, chị Mai toát mồ hôi.
Anh Hùng là người tình cảm, đáng lẽ anh có thể chọn cách một mình bay về, nhưng anh biết ông bà nhớ cháu, cả năm con cái đi làm ăn xa, cha mẹ nào không thèm cái tết sum họp.
Chị Mai cứ quay cuồng khi nghĩ đến những khoản cần chi. Chăm chỉ tìm mối cày cuốc thêm mùa tết, nếu thuận lợi, tới giáp tết người ta gửi trả công đủ cho chị, cũng gọi làm tạm để trang trải vé máy bay tết. Nhưng năm nay nơi nào cũng khó khăn, ai cũng lo bị "xù" tiền công, áp lực thiếu tiền làm chị căng thẳng đến rộc người.
Gần giống chị Mai, chị Ánh cũng đang bấn loạn lo vé đi - vé về, nhưng không phải là cho anh chị hay 2 con, mà là cho cha mẹ già. Ông bà hàng năm đều bay về Hà Nội ăn tết, dù ngoài đó chỉ còn 1 người bà con thân thuộc và nhà thờ tổ.
Trong suy nghĩ của ông bà, đáng lẽ "tất cả con cháu phải về", nhưng biết chi phí cao, ông bà không quá áp đặt. Vì thế anh chị chỉ có trách nhiệm mua vé máy bay cho ông bà. Tuy vậy không lần nào bay mà ông bà không cằn nhằn. Khi thì họ giận con dâu chọn giờ bay không hợp lý, khi thì trách: “Biết ba mẹ về quê hay mang theo nhiều đồ mà không mua thêm cước hành lý”, “sao không mua vé của cái hãng không bị trễ giờ?”…
Mấy ngày trước, ba mẹ chồng đề nghị chị Ánh thu xếp để năm nay cả nhà 6 người về Bắc ăn tết. Chị và các con vốn không quen không khí, sinh hoạt mùa đông ngoài Hà Nội, chi phí cũng quá cao nên nhẹ nhàng từ chối.
Tối ấy, chị từ trên lầu đi xuống thì nghe ba chồng nói chuyện ở phòng khách: "Nó chỉ nghĩ cho thân nó, năm nào cũng ăn tết ở Sài Gòn mà không chán. Về quê có họ có hàng, chưa kể, bao lâu rồi không về. Mọi năm lý do vướng con nhỏ không nói, năm nay con cái lớn hết cả rồi. Hay nó tiếc tiền vé máy bay? Bữa nọ nó cứ than đắt rẻ...".
Chị hiểu ông bà có niềm vui tuổi già mỗi lần về quê đón tết (ảnh minh họa) |
Chị thở dài, năm nào đến cái đoạn đặt vé về quê này, trong nhà cũng có ít nhiều tranh cãi. Chị đã quen, đã nhiều lần tủi thân. Không chỉ chuyện đi đi lại lại bao nhiêu chặng, chi phí quà cáp về tết cũng vợ chồng chị gánh chịu, mà chị biết ra Giêng còn bao khoản phải lo. Ông bà già yếu, chỉ riêng chuyện sức khỏe, nếu lỡ có ai đổ bệnh thì cũng phải dự trù tiền bạc, thuốc thang, chăm sóc. Cả nhà về thì bay vèo vài chục triệu, tiền đâu cho đủ!
Thấy chị Ánh buồn, chồng chị bàn: “Hay cứ nói bừa là hết vé rồi? Ông bà ở lại Sài Gòn ăn tết luôn với tụi mình cũng vui”. Chị quay qua gắt: “Anh làm thế mà coi được? Mình không đủ chi phí về thì thôi, cứ từ chối khéo, chứ ông bà có nhằn thì cũng phải để ông bà về. Cả năm mong ngóng đó!”.
Chị hiểu, tiền bạc có tốn mấy thì rồi cũng sẽ có cách làm ra, còn những mong muốn của ba mẹ là hữu hạn. Biết đâu anh chị chẳng còn mấy lần nghe lời cằn nhằn của ông bà dịp tết nữa. Nghĩ thế, chị Ánh lại quên hết những dỗi hờn, cố cất đi mọi áp lực bạc tiền...
Q.Trâm