TPHCM đang triển khai cho học sinh lớp 9 đăng ký trực tuyến nguyện vọng công lập đến hết ngày 8/5. Đây sẽ là năm thứ 2, kỳ thi tuyển sinh áp dụng phương thức tính điểm mới.
Trước đó, năm 2022 - lần đầu tiên TPHCM áp dụng cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập là tổng điểm ba môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Điều này khác với năm 2020 trở về trước khi áp dụng công thức nhân đôi hai môn toán, ngữ văn cộng với điểm ngoại ngữ, điểm ưu tiên (nếu có). Riêng năm 2021, TPHCM thực hiện xét tuyển học bạ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Với cách tính điểm mới, năm 2022, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có điểm chuẩn cao nhất 24,25. Như vậy, thí sinh không có điểm ưu tiên phải đạt trung bình gần 8,1 mỗi môn để đỗ vào trường này.
Ngoài ra, thành phố còn 12 trường khác lấy điểm chuẩn 21 điểm, tức từ 7 điểm/môn: THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Trần Phú, Phú Nhuận, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hữu Cầu, Trưng Vương, Lương Thế Vinh, Tây Thạnh.
Theo thống kê, năm 2022, trong tổng số 108 trường THPT công lập có 64 trường tăng điểm chuẩn, 5 trường có điểm chuẩn không đổi và 39 trường giảm điểm chuẩn.
Trường có điểm chuẩn tăng cao nhất là Trường THPT Nam Sài Gòn (tăng 0,7 điểm/môn), kế tiếp là THPT Long Thới (0,6 điểm/môn), THPT Củ Chi (0,5 điểm/môn), THPT Nguyễn Hữu Huân (0,4 điểm/môn)...
Mức điểm chuẩn giảm mạnh nhất là Trường Trung học thực hành - Đại học Sư phạm với mức giảm 1,22 điểm/môn. Sau đó là THPT Bình Chánh (0,53 điểm/môn); THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao (0,4 điểm/môn).... Còn lại, đa số các trường có mức giảm nhẹ.
Năm 2023, chỉ tiêu vào lớp 10 thường công lập thường tại TPHCM là 73.261 học sinh, tăng gần 4.300 so với năm 2022, tuy nhiên, sự biến động mạnh về chỉ tiêu của các trường cũng dự báo những biến động trong điểm chuẩn.
Dưới đây là bảng phân tích chi tiết điểm chuẩn lớp 10 thường của TPHCM trong 2 năm 2022 và 2020 để thí sinh cân nhắc lựa chọn khi đăng ký nguyện vọng.