Nguy cơ bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục
Nhóm chuyên gia nhận định giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong một số lĩnh vực, đặc biệt với những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quản trị ĐH, tự chủ và trách nhiệm giải trình, và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.
Mọi sinh viên cần có cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục ĐH. Ảnh: Mạnh Thắng |
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng thành tựu của hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam hiện đang chưa thực sự tương xứng với những kết quả nổi bật về tăng trưởng kinh tế, công bằng và phát triển con người. Việt Nam đã thử nghiệm một số cải cách giáo dục ĐH trong hai thập kỷ qua và đạt được những thành công nhất định trong mở rộng phạm vi tiếp cận. Nhưng Việt Nam cũng đã và đang bỏ lỡ nhiều cơ hội trong tiếp tục tăng cường tính công bằng trong tiếp cận giáo dục ĐH, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển khoa học kỹ thuật - công nghệ, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ ĐH nói chung.
Về khía cạnh bình đẳng của tiếp cận giáo dục ĐH hiện tại, theo nhóm nghiên cứu, thiếu hụt nguồn cung lao động có trình độ ĐH sẽ trở nên trầm trọng hơn khi thiếu vắng những chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế (nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật, đối tượng có khó khăn đặc thù). Các công cụ hỗ trợ tài chính hiện có (học bổng, miễn/giảm học phí và cho vay sinh viên) và các ưu đãi phi tài chính (như cử tuyển với học sinh dân tộc thiểu số và miền núi) chưa thực sự phát huy hiệu quả vì thực tế cho thấy bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục sau phổ thông ngày càng giãn rộng giữa các nhóm thu nhập và dân tộc.
Theo thống kê, số lượng sinh viên, học sinh thụ hưởng khoản vay tín dụng giảm dần, từ 2,4 triệu học sinh, sinh viên năm 2011 xuống 725.000 học sinh, sinh viên năm 2017 và chỉ còn 37.000 trong năm 2021. Theo điều tra năm 2023 do Bộ GD&ĐT và WB đồng triển khai vấn đề này cho thấy, dưới 15% học sinh và cha mẹ học sinh THPT gặp rào cản tài chính cân nhắc sử dụng tín dụng sinh viên trong trường hợp học phí ĐH cao hơn khả năng chi trả. Với phương án đi vay để học, các phụ huynh ưu tiên việc vay của người thân hơn là sử dụng tín dụng sinh viên.
Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí
Nhóm nghiên cứu khẳng định Việt Nam cần ưu tiên công nghệ cao và các ngành ứng dụng công nghệ với lực lượng lao động được đào tạo bài bản, cần phải chuyển đổi các ngành kinh tế từ lắp ráp, đóng gói sang các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tinh vi hơn, có giá trị cao hơn. Năm 2019, các trường ĐH đóng góp khoảng 50% nhân lực R&D có trình độ tiến sĩ và 50% thạc sĩ. Tuy nhiên, cán bộ, giảng viên nghiên cứu từ các trường ĐH chỉ tiếp cận được xấp xỉ 16% ngân sách nhà nước cho R&D chưa đến 7% trong tổng vốn đầu tư, chi tiêu cho R&D từ các nguồn. Con số tương ứng cho các viện nghiên cứu hoặc cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia là 44% với ngân sách nhà nước, 17% trong tổng chi tiêu từ tất cả các nguồn.
“NSNN cần đầu tư, chi tiêu thêm cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập ít nhất 300 triệu USD (0,05% GDP) cho tới 600 triệu USD mỗi năm (0,16% GDP), giả định 80% SV tuyển mới để đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ theo học các cơ sở GDĐH công lập, với cấu trúc chia sẻ chi phí như hiện nay”, báo cáo viết.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề nêu trên xuất phát từ chính sách tự chủ tài chính, đồng nhất tự chủ tài chính với việc cắt giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH công và tăng cường chia sẻ chi phí. Chính vì thế mà ở Việt Nam tồn tại quan niệm “xã hội hóa giáo dục ĐH”, chủ yếu dựa vào học phí và các khoản đóng góp từ hộ gia đình.
Nhóm nghiên cứu của WB đưa ra 4 khuyến nghị liên quan tới nội dung chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH của Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam cần điều chỉnh luật, quy định, chính sách liên quan tới tự chủ tài chính và trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Tránh đồng nhất tự chủ tài chính với “tự lực cánh sinh” về tài chính hay hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tăng đầu tư, với tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH nâng từ mức 0,23% lên ít nhất 0,8% - 1% GDP trước năm 2030; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho R&D tại các trường ĐH tương xứng với tỷ trọng nhân lực và tiềm năng nghiên cứu (mức đề xuất là nâng từ mức 13 - 18% hiện tại lên tối thiểu 30% trước năm 2026).