Bãi rác Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được xây dựng vào năm 1997, là nơi tập kết và xử lý rác thải cho toàn tỉnh Vĩnh Long.
Bãi rác rộng khoảng 19ha, gồm 4 bãi. Hiện tại bãi 1, 2 đã phủ đỉnh, không còn tiếp nhận rác; bãi 3 diện tích 4,6ha, tiếp nhận rác từ tháng 5/2020, công suất 200.000 tấn rác dự kiến 2 năm sẽ phủ đỉnh, song hiện tại đã vượt khoảng 180% khi mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 350 tấn rác từ các huyện đổ về.
Chiều thứ 7 (10/6), nhiều công nhân vẫn đang làm việc tại núi rác chất cao gần 10m, mùi hôi thối nồng nặc. Đứng cách xa bãi rác hơn 1km, nhiều người vẫn cảm nhận mùi hôi đậm đặc.
Tại đây rác chất thành đống cao, nhiều công nhân, máy múc liên tục chuyển ra vào khu xử lý.
Bên cạnh bãi rác là nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo bị bỏ hoang từ lâu. Nhà máy do Công ty CP Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, quy mô xử lý với công suất 200-300 tấn rác/ngày.
Năm 2013, nhà máy khởi động nhưng chỉ đạt 1/5 công suất thiết kế. Nửa năm sau, nhà máy buộc ngưng hoạt động do không đủ chi phí vận hành. Tháng 9/2016, tỉnh Vĩnh Long cho nhà máy tái hoạt động với hình thức đốt, thế nhưng chỉ được một thời gian lại tiếp tục "trùm mền".
Ông Nguyễn Văn Lợi (76 tuổi, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, nhiều năm nay bãi rác xã Hòa Phú gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe của bà con. Bên cạnh mùi hôi, gia đình ông luôn đối diện với tình trạng ruồi ken đặc.
"Đặc trưng ở đây là cơm ruồi và ngửi mùi rác thối" - ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.
Tại Trà Vinh, bãi rác Sâm Bua, ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành là một trong những bãi rác lớn tại tỉnh. Dù đã trong tình trạng quá tải nhưng hiện nơi đây vẫn tiếp nhận hàng trăm tấn rác mỗi ngày.
Chiều 12/6, quá trình khảo sát tại đây, phóng viên Dân trí ghi nhận mùi hôi nồng nặc bao trùm các khu dân cư gần đó. Đặc biệt, tình trạng "ruồi bu kín như đỗ đen" ghi nhận ở nhiều hộ dân trong bán kính cách bãi rác khoảng 200m.
Nhằm chứng minh thực tế, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (47 tuổi, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) lấy miếng dán ruồi đặt trên bàn ăn. Trong vòng 30 phút, ruồi bu kín bề mặt miếng dán.
Nhiều máy móc xử lý rác trong bãi rác Sâm Bua dừng hoạt động. Xung quanh rác chất cao chưa được xử lý.
Tại Tiền Giang, có một bãi rác cạnh biển Gò Công Đông, tồn tại đã hơn 10 năm, gây ô nhiễm, ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới đời sống của nhiều hộ dân trong khu vực.
Mỗi ngày bãi này đang tiếp nhận hàng chục tấn rác các nơi chuyển về.
Tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện chỉ có bãi rác tạm Đồng Cây Sao nằm trên địa bàn xã Cửa Dương. Bãi tạm này dài khoảng 1km, rộng hơn 100m, mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 tấn rác thải khắp đảo. Số lượng rác ứ đọng ngày càng nhiều, khiến rác mỗi ngày một cao hơn.
Bà Trương Thị Nay (72 tuổi) sống gần bãi rác trên đảo Phú Quốc cho biết, nơi đây đang gây mùi hôi thối rất khó chịu, ruồi rất nhiều, hễ để đồ ăn ra ngoài là ruồi bu kín.
Được hình thành và đưa vào hoạt động từ năm 2009, bãi chôn lấp rác Tân Tạo (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) có tổng diện tích quy hoạch hơn 11ha, trong đó khu vực chứa rác khoảng 2ha, còn lại là các hạng mục khác.
Bãi rác Tân Tạo có sức chứa bình quân hơn 50 tấn/ngày và thời gian phủ đỉnh trong 5 năm. Thế nhưng, đến nay lượng rác thải đã vượt gấp 3-4 lần sức chứa và tiếp tục nhận thêm mỗi ngày.
Buổi chiều tháng 6, khi phóng viên Dân trí đi khảo sát, ông Sáu (60 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) dắt chúng tôi ra miếng ruộng nhà, cạnh bãi rác. Ông kể, năm trước vì nước bẩn tràn vào ruộng làm giảm năng suất cây lúa. Sau đó, ông Sáu đã phải cắt bớt một phần đất ruộng để đắp thêm bờ đê thứ hai chống nước bẩn từ bãi rác tràn vào.
Ông cho rằng nước thải bẩn từ bãi rác chảy trực tiếp ra ruộng khiến nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới mùa vụ của các hộ dân lân cận.
Tại bãi rác Tân Tạo, quy trình xử lý rác chủ yếu là thủ công, dùng máy xúc và máy ủi để đưa rác lên cao, phun hóa chất tạo phân hủy và khử mùi nên chưa thể đảm bảo hết tình trạng ô nhiễm. Hiện trạng trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực.