Nhức nhối đạo đức học đường

07/12/2023 13:13

Trong hai ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm học sinh trung học cơ sở dồn cô giáo vào góc lớp và có những hành vi chửi bới, ném đồ, giật điện thoại của cô…

Chú thích ảnh
Ảnh cắt từ clip

Trả lời báo chí, lãnh đạo xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã xác nhận sự việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú vào tuần trước, những học sinh có hành vi xúc phạm cô giáo rồi quay điện thoại đăng lên facebook mới chỉ học lớp 7.

Có lẽ bất kỳ ai xem clip này cũng đều phải bàng hoàng, không chỉ bởi những hành động, lời lẽ trái ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo mà còn bởi vì các em học sinh ở độ tuổi quá nhỏ. Chúng ta buộc phải tự hỏi, không lẽ đạo đức học đường đã xuống thấp đến mức này?

Những em học sinh trong đoạn clip đó đều còn rất nhỏ, ở độ tuổi mà pháp luật gần như không xử lý những vi phạm nếu có mà chỉ áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc. Cụ thể là Bộ luật Hình sự chỉ quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều.

Người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Còn Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì chỉ phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Dẫn những quy định của pháp luật nêu trên không phải là để soi chiếu xem hành vi của các em học sinh thuộc về vi phạm nào, xử lý ra sao. Điều đó chỉ khẳng định rằng, ở độ tuổi của các em, những hành vi thiếu chuẩn mực xảy ra thì trách nhiệm chính thuộc về người lớn, thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Cũng đã có thông tin ban đầu cho biết, bản thân cô giáo cũng có những phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực với học sinh dẫn đến các em có hành động như vậy.

Chưa thể khẳng định cô giáo có hành vi thiếu chuẩn mực là nguyên nhân dẫn đến sự việc hay không, nhưng chắc chắn một điều, môi trường giáo dục ở nhà trường đã có lỗi, có thể không là trực tiếp nhưng sẽ là gián tiếp khi việc hình thành nhân cách cho học sinh chính là một mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục. Bên cạnh đó, cũng không phải chỉ có nhà trường, gia đình cũng có phần trách nhiệm khi chăm lo cho con em mình chưa đủ hoặc chưa đúng cách.

Và trách nhiệm tiếp theo là ở vấn đề xây dựng môi trường văn hóa xã hội. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã nhận xét: “Tình trạng bạo lực học đường là xảy ra liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm, mặc dù các tổ chức chính trị xã hội đã vào cuộc, đặc biệt là các nhà trường đã có nhiều biện pháp khắc phục”.

Để hạn chế tình trạng này, đại biểu cho rằng cần phải xem xét, đánh giá lại nguyên nhân khách quan, chủ quan. Chẳng hạn, có nguyên nhân từ việc học sinh sử dụng mạng internet khá nhiều. Ở độ tuổi học sinh THCS, hầu như học sinh nào cũng có điện thoại thông minh và được tự do truy cập các trang mạng internet. Các em dễ dàng tiếp cận với những nội dung, hình ảnh mang tính bạo lực thông qua nhiều sản phẩm thông tin trên internet. Tâm lý thích học theo, làm theo diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

“Môi trường internet như con dao hai lưỡi. Vì vậy, với học sinh, lứa tuổi cần được chăm sóc về mặt tư tưởng, đạo đức, cũng như về phẩm chất, cần có một môi trường internet an toàn để phòng ngừa, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng kích động bạo lực”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất một trong những giải pháp.

Bởi vậy, trước những vụ việc nhức nhối về đạo đức học đường, điều cần làm không phải là tìm cách xử lý hành vi, mà bản thân các giáo viên, nhà trường và gia đình phải soi chiếu lại trách nhiệm của mình, tìm ra được nguyên nhân và giải pháp để uốn nắn kịp thời những chồi non, xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn cho học sinh. Và mỗi chúng ta cũng đều có trách nhiệm vào quá trình đó bằng cách xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn trong đời sống hằng ngày và cả trên không gian mạng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối đạo đức học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO