Theo bản tin lúc 6h sáng nay của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nhiệt độ miền Bắc thấp nhất ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - 2,5 độ C. Hầu hết các trạm đo đều giảm sâu dưới 10 độ C, trong đó, Hà Đông (Hà Nội) 9,2 độ C, Sa Pa (Lào Cai) 2,7 độ C, Mộc Châu (Sơn La) 3,7 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 1,6 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 2,1 độ C, Trùng Khánh (Cao Bằng) 3,2 độ C.
Trời rét dưới 10 độ C, học sinh mầm non, tiểu học ở các địa phương khu vực phía Bắc tiếp tục được nghỉ học ở nhà. Tuy nhiên do không sắp xếp được việc trông con những ngày cuối năm nên các phụ huynh vẫn quyết định con đi học, nhờ nhà trường trông nom, giữ ấm cho các con.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, ở khối mầm non, tỷ lệ trẻ đi học ở các quận, huyện, thị xã khá cao. Đơn cử, các trường mầm non quận Tây Hồ tỷ lệ đón trẻ đạt trên 80%, tại quận Hà Đông là 59%, quận Nam Từ Liêm đạt trên 52%, quận Thanh Xuân đạt 49%. Tỷ lệ này tính chung của cả khối công lập và tư thục.
Tỷ lệ trẻ đi học ở khối các nhóm lớp mầm non tư thục ở nhiều địa bàn cũng khá cao. Các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục ở quận Tây Hồ có tỷ lệ đón trẻ đạt 80,2%, quận Hoàn Kiếm đạt 75%, các quận Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai… đều đạt trên 70%. Còn với khối tiểu học đạt tỷ lên trên 60%.
"Các trường mầm non, tiểu học đều có phương án quản lý, chăm sóc học sinh trong trường hợp gia đình có nguyện vọng gửi con đến trường. Các trường tiểu học cũng chủ động phương án dạy học linh hoạt, tập trung ôn tập kiến thức, rèn kỹ năng cho những học sinh đến trường, đồng thời, giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà bằng nhiều hình thức", đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.
Trong khi đó, khối các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các trường đều linh hoạt điều chỉnh lùi giờ vào học buổi sáng so với quy định hiện hành từ 30 đến 60 phút. Các hoạt động ngoài trời của học sinh được thay thế bằng các giờ vận động tại chỗ.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trong những ngày rét đậm, học sinh được nghỉ, gia đình nào không có điều kiện trông con, các trường học trên địa bàn quận Hà Đông luôn mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đi làm.
"Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tùy số lượng học sinh nghỉ học nhiều hay ít để có kế hoạch dạy bù kiến thức cho các em. Những em vì lý do thời tiết đi học muộn trong những ngày này, trường học đều linh hoạt đón vào lớp", bà Hằng nói. Tính riêng ngày 23/1, tỷ lệ học sinh đến lớp ở các trường vẫn đạt 70% cả khối mầm non và tiểu học.
Phòng đã yêu cầu các nhà trường sẵn sàng các điều kiện về nước ấm, khăn ấm, thức ăn ấm nóng cũng như kiểm tra lại các lớp học đảm bảo kín gió.
Trường học các cấp sẽ chủ động quyết định thời gian vào học, thời gian tan trường. Tại địa bàn, đa số trường THCS vào lớp trong khoảng thời gian từ 7h15 - 7h30, bậc tiểu học từ 7h45 - 8h và bậc mầm non đón trẻ từ 7h đến 8h30 sáng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thông tin, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đến 25/1, đồng bằng Bắc Bộ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi cao dưới 0 độ C. Nhiệt độ ban ngày ở Hà Nội cao nhất chỉ 15 độ C.
Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024. Đợt đầu ngày 17-27/12/2023, Mẫu Sơn xuống âm 2,5 độ C, thấp nhất trong 11 năm qua.