Nội dung trên được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu tại hội thảo giáo dục 2023 về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức chiều 5/11.
Ghi nhận những nỗ lực phát triển của các trường đại học thời gian qua, tuy nhiên Bộ trưởng thẳng thắn đánh giá những kết quả này vẫn còn rất chậm và chưa có sự bứt phá. Trong khi đó, chúng ta đang kỳ vọng đất nước bứt phá, nền kinh tế phát triển tốc độ cao, đưa quốc gia của thoát khỏi xếp hạng các nước thu nhập trung bình, trở thành đất nước thu nhập khá.
"Với mục tiêu như vậy, hệ thống giáo dục đại học, giáo dục chất lượng cao cần có sự bứt phá. Hiện tại chúng ta vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào các trường đại học tồn tại được, đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo, chứ chưa nhìn thấy con đường, chiến lược bứt phá. Vậy bài toán đặt ra ở đây làm thế nào để các trường đại học bứt phá?", Bộ trưởng Sơn trăn trở.
Theo ông, các trường đại học công lập muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì phải vừa huy động xã hội hoá từ doanh nghiệp mạnh mẽ, vừa có sự đầu tư lớn từ ngân sách.
Song song với nguồn lực đầu tư, ông cũng băn khoăn về cách thức đầu tư, bởi tiền có nhưng nếu tiêu sai thì sẽ rất nguy hiểm "đã hiếm có còn khó tiêu". Do đó, rất cần cơ chế đặc thù và bứt phá cho chủ thể, mô hình tự chủ để gỡ vướng, gỡ nghẽn các trường.
"Nhiều nơi trên thế giới không tồn tại khái niệm tự chủ đại học, bởi vì các trường coi đó là việc đương nhiên thực hiện, không phải nhiệm vụ hay mô hình. Có thể nói tự chủ là một thuộc tính của đại học, nó phải có, cần có và đương nhiên có", vị tư lệnh ngành Giáo dục nêu rõ.
Bộ trưởng cũng thấu hiểu những khó khăn các trường đại học đang gặp phải, chồng chéo ở quy định, thủ tục. Ví dụ như tầng lớp nhà khoa học ở trong các trường đại học, họ là những viên chức và chịu chế tài quản lý theo Luật viên chức. Thế nhưng giờ đây khi tự chủ, các nhà khoa học cần sự bứt phá, sáng tạo cao thay vì bó buộc, ràng buộc trách nhiệm.
Do đó, rất cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học, đầy đủ chiều sâu. Lấy tâm điểm là tự chủ đại học để rà soát những quy định chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn, đó là căn cứ lớn để sửa luật, Bộ trưởng Sơn đề xuất Quốc hội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra 4 nguyên nhân khiến các trường đại học hiện nay vẫn chậm phát triển.
Thứ nhất, cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất. Chúng ta muốn biết chất lượng giáo dục đến đâu cần phải có cơ chế đánh giá giám sát chất lượng thực sự hiệu quả.
Thứ 2, hành lang pháp lý của tự chủ đại học chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo sức bật mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết nội lực; năng lực quản trị của một số trường còn yếu.
Thứ 3, hệ thống giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa. Một số trường đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng.
Thứ 4, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.
Từ điểm nghẽn đó, Thứ trưởng cho rằng, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học chính là tăng cường yếu tố tác động đến chất lượng, để khắc phục điểm nghẽn nói trên. Cần có những chính sách và rà soát chính sách về đánh giá, giám sát chất lượng. Cần giải pháp để tối ưu hóa ở cả cấp độ hệ thống cũng như trong từng cơ cở giáo dục đại học. Cần cơ chế chính sách để huy động tối đa và phát triển các nguồn lực về tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất, công nghệ, quan hệ hợp tác của nhà trường và của hệ thống tối giáo dục đại học với bên ngoài, với thế giới.