Nhiều người khổ sở vì lúc nhớ, lúc quên

HƯƠNG SƠN| 10/09/2023 23:56

Đối với những người mắc bệnh sa sút trí tuệ, Alzheimer, đều rất khổ tâm vì bộ não lúc nhớ, lúc quên.

Lúc nhớ, lúc quên

Bà H.T (65 tuổi, quận Gò Vấp) chia sẻ với bác sĩ về những câu chuyện dở khóc, dở cười của mình. Bà T. làm công việc kinh doanh tạp hoá nhiều năm nay, những năm qua bà thường xuyên tính nhẩm và nhớ giá các mặt hàng rất tốt. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây bà bắt đầu mất ngủ kèm theo là những rắc rối nhỏ nhặt trong cuộc sống như quên tính tiền cho khách, quên đánh răng, kính mắt cài trên đầu nhưng đi tìm quanh nhà… Và vài tuần trở lại đây triệu chứng quên nhiều hơn khi sự việc vừa xảy ra thì vài phút sau bà hoàn toàn không nhớ gì.

“Tôi thực sự không biết diễn tả những rắc rối nhỏ nhặt đó như thế nào nhưng nó thực sự khiến tôi khó khăn trong cuộc sống. Lúc nhớ, lúc quên cảm giác rất bất lực”, bà T. chia sẻ.

Quên trước, quên sau không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, mà nhiều người trẻ cũng thường xuyên mất trí nhớ.

Chị Trần Thị Thuỳ (40 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) đi khám bệnh vì thường xuyên mất ngủ, qua thăm khám các bác sĩ còn phát hiện chị Thuỳ gặp tình trạng mất trí nhớ giai đoạn sớm.

“Tôi thường xuyên quên những việc nhỏ nhặt, nhiều khi nhắc tới tôi hoàn toàn không có kí ức gì về nó. Chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần tôi nghĩ đó là bình thường nhưng giờ được bác sĩ cho biết mình mới chú ý hơn”, chị Thuỳ chia sẻ.

Phát hiện giai đoạn muộn, tỉ lệ tử vong cao

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch hội Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam cho biết, Việt Nam được xếp vào quốc gia có dân số già, hơn 10% dân số trên 60 tuổi. Tuổi thọ trung bình tăng nhờ có ý thức phòng bệnh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Bên cạnh tuổi thọ tăng, đi kèm theo các bệnh liên quan đến tuổi tác như tim mạch, thoái hóa khớp, trong đó có bệnh lý sa sút trí tuệ.

Bà T. đang được bác sĩ khám lâm sàng. Ảnh: Nguyễn Ly
Bà T. đang được bác sĩ khám lâm sàng. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo đó, những người dễ bị chứng sa sút trí tuệ như: lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não…

“Yếu tố nguy cơ sa sút trí tuệ, nguyên nhân cao nhất là căng thẳng, stress… Lên cơn căng thẳng dễ mất trí nhớ. Lúc này các bác sĩ phải giải thích cho người bệnh hiểu. Mỗi lần sa sút trí tuệ nổi lên sẽ khiến các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng. Nên cần loại bỏ căng thẳng, ngủ sâu nên chúng ta giảm được việc mất trí nhớ”, TS.BS Công Thắng nhấn mạnh.

Hiện nay, có đến 75% người bệnh không được chẩn đoán và quản lí kịp thời. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ổn định, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống của cả người bệnh và người chăm sóc.

Hiện nay các bệnh viện đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì sa sút trí tuệ. Đơn cử ở Bệnh viện Quân y 175, số lượng bệnh nhân đến khám ngày càng tăng và đa phần ở giai đoạn đã muộn.

Bệnh Alzheimer khởi phát sau 65 tuổi là muộn, trước 65 tuổi là khởi phát sớm. Các chuyên gia nhận thấy tỉ lệ khởi phát sớm cao. Trong đó có 10-15% có bất thường về mặt di truyền, do đó những người ba mẹ có bệnh sa sút trí tuệ nên đi khám để tầm soát.Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175: “bệnh sa sút trí tuệ chiếm 80% là bệnh Alzheimer, bệnh diễn tiến từ từ và liên quan đến các tế bào não mất đi. Khi bệnh phát hiện giai đoạn muộn điều trị rất khó khăn, nếu người ngoài 70 tuổi phát hiện nặng thì diễn tiến tử vong có thể trong vòng 1-3 năm”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người khổ sở vì lúc nhớ, lúc quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO