Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư làm đường sắt ở Việt Nam

Hoài Thu| 16/09/2023 16:03

Các doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ mong muốn đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam bằng việc đầu tư vào hạ tầng và năng lượng. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những đề xuất này.

Nhân chuyến công tác tới Trung Quốc tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20, chiều 16/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp một số doanh nghiệp Trung Quốc để lắng nghe đề xuất cho việc mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam.

Những tuyến đường sắt thúc đẩy kinh tế Việt - Trung

Doanh nghiệp đầu tiên được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tiếp là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Đây là tổng thầu thi công  dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư làm đường sắt ở Việt Nam - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Tập đoàn đã góp phần hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm và đánh giá đơn vị cũng có kinh nghiệm làm về hạ tầng ở Việt Nam.

Ông nêu định hướng, tới đây Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, dài khoảng 388km. Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đây là tuyến đường sắt quan trọng kết nối vành đai và con đường.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang cùng Chính phủ Trung Quốc nghiên cứu và mong tập đoàn đầu tư vào tuyến đường sắt dài nói trên.

Ông Trần Vân, Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, đánh giá việc xây dựng các tuyến đường sắt mang lại giá trị kinh tế cho hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và là nền tảng cho chính sách vành đai và con đường.

Trả lời câu hỏi "Tập đoàn có thể làm được gì?", ông Trần Vân nói đơn vị này có thể cung cấp khảo sát thiết kế, đầu tư, thi công, thậm chí cả quản lý.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư làm đường sắt ở Việt Nam - 2

Ông Trần Vân, Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, chia sẻ muốn góp sức thúc đẩy đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cho biết mô hình này đã áp dụng cho tuyến đường sắt từ Jakarta tới Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java, dài 142km với tốc độ 350km/h, làm theo hình thức lập liên danh đầu tư, một phần vốn do Tập đoàn tham gia, một phần khác do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp vốn.

Đặt vấn đề xây dựng tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng gợi ý hai bên có thể tính toán thành lập liên danh để đầu tư, theo tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư.

Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc chia sẻ Tập đoàn này rất mong muốn góp sức thúc đẩy các dự án như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Để triển khai, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh cần làm những gì tốt nhất cho quan hệ hai nước và phải làm sao để hài hòa lợi ích, đảm bảo tiến độ, không có tham nhũng.

"Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể", Thủ tướng yêu cầu việc hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phải làm kịp thời, đảm bảo cả tiến độ, chất lượng và an toàn.

Định hướng các cơ quan trực tiếp quản lý làm việc cụ thể về nội dung này, Thủ tướng cho biết những gì thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ cho ý kiến.

Theo đánh giá, các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", "Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng" và "vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ", tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

"Đã bàn phải làm ngay"

Trong cuộc gặp với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sau đó, ông Vương Tiểu Quân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Power China, chia sẻ một số nội dung muốn hợp tác đầu tư ở Việt Nam, trong đó có hạ tầng đường sắt và dự án điện gió.

Ông Vương Tiểu Quân nhấn mạnh Việt Nam là một trong những thị trường đặc biệt quan trọng và tập đoàn này rất mong sẽ có cơ hội đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư làm đường sắt ở Việt Nam - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Vương Tiểu Quân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Power China (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của tập đoàn và cho biết những đề xuất này đúng với 3 đột phá chiến lược của Việt Nam, trong đó có đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng.

Về năng lượng, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam đang đẩy mạnh năng lượng gió và mặt trời, kêu gọi các nhà đầu tư tập trung đầu tư ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Song ông lưu ý khi thực hiện các dự án năng lượng, quan trọng nhất phải chú ý tới giá và đường truyền tải. Ông đề nghị doanh nghiệp của Trung Quốc cùng phía Việt Nam tìm ra giải pháp mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai bên.

Với đề xuất đầu tư đường sắt, Thủ tướng hoan nghênh doanh nghiệp của Trung Quốc và cho biết Việt Nam đang định hướng đầu tư nhiều tuyến đường sắt, vì thế đề nghị hai bên lựa chọn hình thức đầu tư để có lợi cho cả hai.

"Thời gian là vàng ngọc, bàn thì phải làm ngay, tránh bàn xong rồi 5-10 năm mới triển khai sẽ không có ý nghĩa gì", Thủ tướng chia sẻ và nhắc lại tinh thần hài hòa lợi ích 3 bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân cùng có lợi.

Hoài Thu (Từ Quảng Tây, Trung Quốc)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư làm đường sắt ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO