Anh H.M.Tr (34 tuổi, ở Hà Nội) nhiều năm nay bị những trận ngứa dữ dội hành hạ liên tục. Trên cơ thể anh những vết sẹo chưa kịp mờ đã xuất hiện những vết xước mới do gãi. Dù đã đi khám tại các bệnh viện da liễu và dùng thuốc dị ứng hơn 7-8 năm nay nhưng không thấy bệnh khỏi dứt điểm.
Được bạn bè chỉ dẫn, anh Tr. đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân Tr. có chỉ số ELISA dương tính với giun đũa chó, mèo và bạch cầu ái toan tăng kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da. Các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị bệnh đặc hiệu bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo và các triệu chứng ngứa.
Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của anh Tr. tiến triển khá tốt khi giảm ngứa nhiều. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải tái khám cũng như đánh giá mức độ đáp ứng điều trị bệnh thêm một thời gian nữa.
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Đặng Văn Ngữ |
PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, khoảng 70% người bệnh đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo. Nguyên nhân là do ăn phải trứng của giun đũa thải ra từ chó, mèo bao gồm cả thú cưng không xử lí phân tốt.
“70-90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa ở ngoài da hoặc có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Nhiều người lầm tưởng đi khám khắp các bệnh viện da liễu nhưng không tìm ra được nguyên nhân bệnh”, TS Dũng nói. Phần lớn những bệnh nhân này khi đến điều trị đều có kết quả khả quan. Tuy nhiên có nhiều trường hợp điều trị 5-6 đợt và thay đổi nhiều loại thuốc nhưng không hoặc ít đáp ứng điều trị.
Nguyên nhân của việc điều trị trong thời gian khác nhau là cơ địa, sức đề kháng và tình hình mắc bệnh của mỗi người, đặc biệt là do khả năng nhiễm lại vì người bệnh vẫn tiếp tục nuôi và tiếp xúc với chó, mèo không được vệ sinh, quản lí phân sạch sẽ. Khi bị nhiễm lại, bệnh sẽ kéo dài.
Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Đối tượng mắc ấu trùng giun chó, mèo rất đa dạng, thậm chí có trẻ từ 2-3 tuổi. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng có biểu hiện ngứa, nổi mẩn kéo dài.
“Việc điều trị ấu trùng giun cho bệnh nhân khá phức tạp, thời gian dài vì ấu trùng của giun khi đi vào các bộ phận phủ tạng hoặc cơ của con người thì quá trình điều trị rất dài. Trong khi đối với giun truyền qua đất trưởng thành ký sinh trong ruột, chỉ cần sử dụng thuốc tẩy giun liều ngắn ngày, giun ngấm thuốc rất nhanh và chết dần, rồi theo phân ra ngoài”, PGS Dũng thông tin.
Sống chung an toàn với chó mèo
TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, cả nước mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị Chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát đàn chó, mèo ở nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh lây từ động vật sang người cao.
Trong năm 2023, tại Viện này ghi nhận các trường hợp đến khám do nhiễm ký sinh trùng như: (sán, ấu trùng giun đũa chó, mèo...) tăng đột biến. Có ngày, Viện tiếp nhận từ 300 - 400 người đến khám, trong khi trước đó chỉ khoảng 200 người/ngày.
Từ thực tế nói trên, TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo, người nuôi thú cưng cần tẩy sạch giun cho vật nuôi chó mèo định kì 3-6 tháng/lần; không để phân chó mèo phát tán ra môi trường vì đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm phải trứng giun.
“Đặc biệt, không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà.
Không nên cho trẻ ôm, hôn chó mèo vì phần đuôi và lông là nơi dính rất nhiều chất thải kèm theo trứng giun do đó trẻ rất dễ nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo”, PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo.
Chỉ riêng trong năm 2023, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 lượt người bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.