Ngày đầu tiên của phiên tòa phúc thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" kết thúc khi trời đã tối mịt. Khoảng 18h40 ngày 25/12, 21 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm mới lần lượt rời phòng xét xử, bị áp giải ra xe chuyên dụng.
"Bị cáo thấy rất đáng tiếc và đau lòng"
Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra Bộ Công an, ngày 7/8 đã từng viết đơn kháng cáo kêu oan, không chấp nhận hình phạt tù chung thân của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, "sau thời gian dài suy nghĩ", Hưng đã có sự chuyển biến trong "nhận thức" và đến ngày 28/11, bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo, từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Điều này đồng nghĩa là cựu điều tra viên thừa nhận những quy kết của tòa cấp sơ thẩm, tự gạt đi những lập luận, lý lẽ, phản biện từng "gây bão" của bản thân tại bục khai báo của TAND TP Hà Nội.
Nghẹn ngào ở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hưng xin HĐXX xem xét lại nội dung vụ án một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý. Từ đó, bị cáo mong tòa phúc thẩm sẽ đưa ra phán quyết phù hợp, để Hưng có thể sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Để có thể trình bày nguyện vọng trên, cựu điều tra viên Bộ Công an đưa ra một tình tiết giảm nhẹ, đó là tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt - hơn 18 tỷ đồng.
"Bị cáo từng là Đảng viên, nằm trong lực lượng công an nhân dân. Bị cáo thấy rất đáng tiếc và đau lòng. Dù với bất kỳ lý do gì, nguyên nhân gì, bị cáo vẫn cảm thấy có trách nhiệm trong sai phạm của mình", cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra nói trước tòa và kể bản thân bị rối loạn tiền đình nặng.
Trước khi rời bục xét hỏi để về chỗ, Hưng bày tỏ mong muốn được xét xử vắng mặt ở phần còn lại của phiên tòa, kể cả ngày tuyên án. Bị cáo nói sẽ ủy quyền bào chữa cho luật sư, đồng thời tôn trọng mọi phán quyết của tòa án.
Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam sẵn sàng chịu mọi hình phạt
Là một trong 20 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại bục khai báo, đưa ra nhiều tình tiết mới để HĐXX xem xét khi lượng hình.
Ông Tân trình bày, trước khi diễn ra phiên xét xử, gia đình đã nộp thêm hơn 1 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả vụ án. Như vậy, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án là 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo cũng đã nộp 100 triệu đồng hình phạt bổ sung và tiền án phí.
Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, người nhà bị cáo cung cấp thêm tài liệu về việc gia đình từng nhận được Huân chương lao động hạng Ba.
Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam liệt kê: Có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; được nhiều cá nhân, đơn vị có đơn xin giảm nhẹ hình phạt...
Ông Tân nói, trong thời điểm dịch Covid-19, khi đưa hơn 200.000 công dân về nước, tỉnh Quảng Nam là tỉnh xung phong tiếp nhận số công dân này. Qua thống kê, Quảng Nam đã tiếp nhận hơn 40.000 công dân về nước trong thời điểm dịch Covid-19, chưa kể lực lượng cách ly là công an, quân đội mặc dù địa phương vẫn phải đảm bảo các công tác phòng, chống dịch.
Vì vậy, dù cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận hành vi phạm tội, sẵn sàng chịu mọi hình phạt nhưng vẫn mong muốn HĐXX xem xét các tình tiết để bị cáo có thể được hưởng mức án nhẹ hơn.
Cựu Cục trưởng Lãnh sự không còn tiền để khắc phục hậu quả
Là một trong những bị cáo nhận hối lộ với số tiền lớn, cựu Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan mới chỉ nộp khắc phục chưa nổi 1/20 số tiền hưởng lợi. Cụ thể, hồ sơ vụ án thể hiện bà Lan nhận 25 tỷ đồng của 8 đại diện doanh nghiệp, hiện, bị cáo mới nộp lại 1,2 tỷ đồng.
Nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo tù chung thân) bà Lan bị HĐXX đề nghị cần "xem xét lại thái độ" khi chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khắc phục. Tòa phúc thẩm thậm chí còn dẫn chứng một số bị cáo còn nộp thừa số tiền phải nộp.
Phân trần, nữ bị cáo nói gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân là mẹ đơn thân, phải nuôi 2 con nhỏ và một mẹ già. Chính vì vậy, 1,2 tỷ đồng là toàn bộ số tiền bị cáo có thể nộp khắc phục.
Bà Lan xin được dùng những tài sản khác như nhà, cổ phiếu, ô tô... để khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội. Nếu giá trị các tài sản trên chưa đủ, bị cáo Lan tự nguyện lao động kiếm tiền để nộp bù.
Bị chất vấn về mục đích sử dụng 25 tỷ đồng đã nhận hối lộ, bà Lan nói không thể nhớ đã tiêu làm gì.
Cựu cục trưởng trình bày từng 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, gia đình có công với cách mạng... để làm căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt. Bà Lan cũng nói không mưu lợi cá nhân trong dịch bệnh để đòi tiền doanh nghiệp nên mong muốn tòa phúc thẩm xem xét quy kết của tòa sơ thẩm về tình tiết tăng nặng "lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội" đối với bị cáo.
Trước tòa, bà Lan khai đã rất ân hận, vì không vượt qua được cám dỗ vật chất mà gặp rồi nhận tiền của doanh nghiệp.
Giọt nước mắt của vợ chồng cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Ông Tô Anh Dũng bị tuyên 16 năm tù tại bản án sơ thẩm, đã nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa ngày 25/12, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế tha thiết mong HĐXX phúc thẩm đánh giá lại toàn bộ tính chất phạm tội, đồng thời thể hiện sự ăn năn, hối cải. Dù nhận tội, ông Dũng vẫn cho rằng quy kết của bản án sơ thẩm về việc doanh nghiệp đến gặp bị cáo "đặt vấn đề" đưa tiền để được giúp cấp phép chuyến bay là chưa phản ánh khách quan, đầy đủ thực tế cũng như tính chất vi phạm.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khai bản thân không hề có động cơ vụ lợi, sách nhiễu khi gặp doanh nghiệp mà đều làm theo chủ trương. Mục đích của bị cáo là lắng nghe và tháo gỡ khó khăn nếu có.
"Vậy ông cho rằng nhận tiền là không làm chủ được mình đúng không?", HĐXX hỏi.
"Vâng ạ", ông Tô Anh Dũng trả lời.
Trước tòa, cựu Thứ trưởng trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ như bản thân từng có 30 năm công tác, có nhiều đóng góp, bị cáo luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc, trong thời điểm dịch Covid-19 cố gắng đưa 200.000 công dân về nước an toàn, vận động được 150 triệu liều vắc xin.
Khi vợ ông Dũng là bà Trần Phi Nga lên bục khai báo để trình bày về kháng cáo phần tài sản, vợ chồng cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhìn nhau khóc.
Bà Nga nói chồng mình sức khỏe đã kém, mong tòa xem xét công lao và ý thức khắc phục hậu quả để ông Dũng được hưởng khoan hồng.