UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình số tiền 110 triệu đồng vì có hành vi xây dựng trái phép trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Trước đó, tháng 11/2022, Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình xây dựng một căn nhà trong cụm nhà phục vụ bể bơi, sai vị trí so với bản vẽ mặt bằng tổng thể; có diện tích xây dựng lớn hơn 285m2 so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp ngày 29/6/2022), tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Sau đó một tháng, công ty này tiếp tục xây dựng một nhà nhỏ 15m2, một nhà 45m2, không có trong giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xâm hại nghiêm trọng vùng lõi Di sản thế giới Tràng An.
Phát hiện Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình xây dựng hàng loạt công trình trái phép trong vùng lõi di sản thế giới, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) đã lập biên bản, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xây dựng trái phép, hoàn trả mặt bằng cảnh quan.
Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình sau đó cũng đã ký văn bản giao UBND huyện Hoa Lư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với những vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình, đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Khi công trình vi phạm của Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình chưa được xử lý dứt điểm, mới đây tại xã Ninh Xuân, ngay trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An mọc lên hàng loạt công trình trái phép là các nhà hàng, quán ăn, quán nước giải khát rộng hàng trăm mét vuông.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND xã Ninh Xuân thừa nhận, các công trình này xây dựng trên đất vườn của các hộ gia đình và chưa được chính quyền cấp phép. Diện tích đất này của các hộ dân cũng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi phát hiện sự việc, xã cũng đã lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm; đồng thời báo cáo sự việc lên UBND huyện.
Đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, đơn vị nghiệp vụ của Sở đã tiến hành kiểm tra, xác định các hộ dân xây dựng trái phép.
Được biết, khu vực có các công trình xây dựng trái phép nằm sát bên đường Tràng An. Nhiều người dân, du khách khi đi qua đây, chứng kiến các công trình xâm hại di sản thế giới đã rất bức xúc, bày tỏ băn khoăn vì sao các công trình sai phép ngang nhiên tồn tại?
Trước đó, cũng tại xã Ninh Xuân, hộ ông Lưu Đình Quế xây dựng công trình "khủng" trong vùng lõi di sản Tràng An. Toàn bộ khu vực nhà hàng, homestay kinh doanh du lịch, dịch vụ lưu trú xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất do xã quản lý, đã xâm hại nghiêm trọng cảnh quan, môi trường… vùng di sản.
Khi phát hiện sự việc, chính quyền liên tục có các động thái kiểm tra xử lý, yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, ông Quế cùng các thành viên trong gia đình đã có hành vi chống đối, thách thức những người thi hành công vụ, nên chính quyền không thể xử lý dứt điểm.
Đỉnh điểm của vụ việc, cơ quan CSĐT Công an huyện Hoa Lư đã khởi tố, bắt giam ông Lưu Đình Quế cùng nhiều thành viên trong gia đình ông này tội Chống người thi hành công vụ. Đồng thời, UBND huyện Hoa Lư tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm.
Một công trình sai phạm khác là của ông Phạm Ngọc Khuê, xây dựng trái phép, xâm hại vùng lõi danh thắng Tràng An tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Tổ công tác của huyện Hoa Lư khi đi kiểm tra đã bắt quả tang hộ ông này đang tiến hành xây dựng một số công trình trái phép trên phần đất do xã quản lý và đất nông nghiệp, đất vườn.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng người dân và doanh nghiệp ở Ninh Bình xây dựng trái phép, xâm hại vùng lõi di sản thế giới Tràng An diễn ra thường xuyên ở các xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên của huyện Hoa Lư. Dịch Covid-19 bùng nổ, du lịch "đóng băng", việc xây dựng trái phép tạm thời lắng xuống.
Tuy nhiên, trong năm 2022 và đầu năm 2023, khi du lịch bình thường trở lại. Tình trạng xây dựng trái phép, xâm hại di sản tại Ninh Bình lại tái diễn. Thống kê của Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho thấy, hiện có hàng chục vụ vi phạm nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền xử lý, gây nguy hại cho vùng di sản "kép" duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.