PV: Là một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản sách có thương hiệu trên thị trường, thời gian qua, việc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News bị xâm hại bởi vấn nạn sách lậu, sách giả như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phước: Sau khi chúng tôi đưa ra thông tin sẽ khởi kiện Shopee đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận xã hội, bởi lâu nay việc kinh doanh buôn bán sách lậu, sách giả ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Đến nay thì những hoạt động này còn diễn ra công khai trên các sàn thương mại điện tử hợp pháp, gây nhiều thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, các nhà xuất bản, những người lao động trong lĩnh vực xuất bản nói chung. First News chúng tôi là một trong những đơn vị bị làm giả, làm lậu khá nhiều, cho đến nay trên sàn thương mại điện tử Shopee gồm 32 cuốn. Hầu như toàn bộ các sách bán chạy của First News đều có sách giả bán trên Shopee, có thể kể đến các cuốn như: Nghĩ giàu làm giàu; Bí mật tư duy triệu phú; Đắc nhân tâm; 7 thói quen để thành đạt; Muôn kiếp nhân sinh; Quẳng gánh lo đi mà vui sống; Bí mật của sự may mắn; Hiểu về trái tim; Sức mạnh của ngôn từ…
Việc này đã diễn ra công khai suốt thời gian dài, có những cuốn sách chúng tôi làm vất vả cả năm trời mới hoàn thành nhưng chỉ ra mắt được khoảng 1 tuần là đã thấy xuất hiện sách giả trên các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, mỗi năm First News chịu thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng bởi vấn nạn sách giả, sách lậu tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động. Bởi mình in ra không bán được, giá sách lậu, sách giả rẻ hơn rất nhiều so với sách của mình.
Tôi lấy ví dụ cuốn Đắc Nhân Tâm, First News mua bản quyền từ đối tác nước ngoài, giá thành in ra sản phẩm là 86.000 đồng, chiết khấu trên sàn 20%, các đối tượng làm giả cũng bán ra bằng giá 86.000 đồng nhưng lại đưa ra mức chiết khấu trên sàn 40% so với sách thật của chúng tôi. Bởi họ không mất tiền bản quyền, tiền dịch thuật, tiền thiết kế và tiền quản lý phí đóng cho nhà nước, tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng cho nhà nước. Họ chỉ mất tiền giấy in khoảng 20.000 đồng/cuốn sách giả, thậm chí nếu in giấy, mực chất lượng kém thì chi phí còn không đến 20.000 đồng/cuốn.
Khi First News khi in 10.000 cuốn sách Đắc Nhân Tâm, chỉ bán được 2.000 cuốn, vẫn phải đóng phí bản quyền 8% cho Nhà xuất bản nước ngoài, nên vẫn không bù được chi phí sản xuất, còn đối tượng làm giả thì bán được cuốn nào lãi luôn cuốn đó, thậm chí lợi nhuận mỗi cuốn đều có thể lên tới hàng 100%.
PV: Việc các sàn thương mại điện tử cho phép bán sách lậu, sách giả thì First News từng có những phản ánh gì chưa?
Ông Nguyễn Văn Phước: Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tới sàn thương mại điện tử Shopee, tuy nhiên họ cho hay chỉ cho thuê gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Thế nhưng tôi cho rằng, việc cho thuê gian hàng cũng giống như cho thuê khách sạn, nếu người thuê phòng khách sạn buôn bán chất cấm thì không chỉ người có hành vi buôn bán chất cấm, mà người cho thuê phòng cũng phải chịu trách nhiệm. Trong khi, Shopee có thu phí 17% của các đơn vị bán sách giả, sách lậu của các tổ chức, cá nhân buôn bán sách lậu, sách giả. Nên không thể nói rằng tôi chỉ cho thuê bán hàng mà không có trách nhiệm như thế được. Các anh kinh doanh thu lợi nhuận thì phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và đảm bảo tính công bằng nghiêm minh, nay anh lại cho họ bán hàng giả, hàng lậu trên chợ nhà anh để anh thu phí, thì rõ ràng đó là việc làm không minh bạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật rồi.
PV: Tình trạng bán sách lậu, sách giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử như hiện nay, nếu không được ngăn chặn, thì hậu quả đối với các doanh nghiệp, nhà xuất bản sách sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phước: Nếu tình trạng này không được ngăn chặn thì các doanh nghiệp, các nhà xuất bản làm sách chân chính sẽ chỉ có con đường phá sản, còn người lao động thì mất việc làm, nhà nước thì thất thu thuế như tôi đã nói ở trên. Bởi lẽ, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì có kê khai và nộp thuế trên số sách mình bán ra thị trường. Còn các đơn vị làm sách lậu, sách giả thì họ không mất chi phí sản xuất nội dung, chi phí bản quyền, nhuận bút, mà cũng chẳng phải nộp thuế cho nhà nước, chất lượng sản phẩm cũng không được đặt lên hàng đầu, nên họ bán giá rẻ rất nhiều so với chúng tôi. Như vậy thì sách của chúng tôi sản xuất ra bán làm sao được.
Tôi cho rằng việc xử lý những hành vi trục lợi của những kẻ sản xuất kinh doanh sách lậu, sách giả là không quá khó. Nếu như chúng ta làm nghiêm, có chế tài xử lý, xử phạt mạnh, như việc xử lý vi phạm an toàn giao thông chẳng hạn, thì sẽ đi vào quy củ ngay. Nhưng cho đến nay, việc quản lý, xử lý hành vi này còn chưa nghiêm, nên không chỉ các doanh nghiệp, các nhà xuất bản, người lao động trong lĩnh vực này, mà cả nhà nước cũng bị thất thu thuế, còn độc giả thì phải bỏ tiền mua những sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí có thông tin kiến thức sai lệch.
Việc một đơn vị xuất bản chân chính như First News đã vất vả tận tâm chọn các đầu sách hay chăm chút dịch thuật, biên tập thiết kế, xin giấy phép xuất bản, có khi tốn cả năm trời mới ra được một cuốn sách. Sau đó lại tổ chức làm truyền thông để bạn đọc thấy được điều hay từ sách để có thể mua - thế nhưng chỉ trong một tuần ra mắt là những kẻ in lậu đã in ra sách giả trái pháp luật mà không phải tốn bất kỳ công sức nào hết. Như vậy khác nào ăn cướp trắng trợn tiền bạc, công sức lao động sáng tạo vất vả từ nhà làm sách chân chính.
PV: Là một người đứng đầu doanh nghiệp làm sách lâu năm, ông có so sánh, nhận định việc xử lý ngăn chặn sách lậu, sách giả ở Việt Nam so với các nước khác và hệ lụy của vấn nạn này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phước: Tôi không nói đâu xa, chỉ so sánh ngay với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan thôi, ở đó họ có những quy định, những chế tài xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giả rất nghiêm, nên cho đến nay ở những nước này rất hiếm khi xuất hiện tình trạng sản xuất buôn bán sách lậu sách giả. Bởi vậy, những tổ chức, cá nhân làm sách ở bên đó rất yên tâm và chuyên tâm vào làm sách.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!