Sáng 4/9, khoảng 30 cán bộ thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, Công an quận 12 và VKSND quận 12 có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM) để xác minh, làm rõ về việc nhiều trẻ em bị bạo hành.
Theo ghi nhận của phóng viên, các lực lượng đang tích cực làm việc, lấy lời khai những người liên quan cũng như xác minh giấy tờ, hồ sơ pháp lý của cơ sở này. Phía bên ngoài, nhiều người dân, nhà hảo tâm tìm đến trước cơ sở để theo dõi diễn biến điều tra.
Cầm chiếc điện thoại xem lại những hình ảnh, clip kỷ niệm của các cháu tại Mái ấm Hoa Hồng, bà Mai Chi (36 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) không kìm được xúc động, bày tỏ sự xót xa.
"Tôi thấy mấy bé bị bạo hành mà đau xót, không chịu nổi. Tôi không ngờ một mái ấm nuôi dưỡng trẻ mà lại có những bảo mẫu hành động như vậy", bà Mai Chi (36 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) nghẹn giọng.
Theo bà Chi, sáng nay bà đọc thấy báo chí đăng tin các bé bị đánh đập tại cơ sở này, bà không tin những bảo mẫu lại hành động như vậy. Bà gửi con 5 tháng tuổi, rồi chạy xe máy đến cơ sở để xem lực lượng chức năng có động thái vào cuộc điều tra hay chưa, có biện pháp gì để bảo vệ các bé ở đây.
Bà Chi cho biết hàng tháng, bà cùng người thân chia phiên nhau mang tã, sữa đến cho các cháu. Khi đến cơ sở, quà bánh sẽ được tiếp nhận bên dưới, sau đó các nhà hảo tâm được lên trên phòng để thăm trẻ.
"Những lúc đến, tôi thấy các bé quấn quýt thì nghĩ là chúng thiếu tình thương của cha mẹ, nên thấy ai cũng mừng. Không ngờ cuộc sống của các bé ở đây lại tệ bạc, bị đánh đập như vậy", bà Chi nói.
Bà Võ Thị Ngọc Hoa (68 tuổi) cho biết nhà bà cách cơ sở này khoảng 4km. Bà Hoa có thâm niên 30 năm làm công việc dạy trẻ mầm non. Chứng kiến những người ở đây đối xử với trẻ như vậy, bà Hoa cảm thấy rất đau lòng.
"Những người bảo mẫu phải là những người thật sự yêu quý trẻ em. Nếu họ làm bằng bạo lực như thế này thì không nên làm", bà Hoa bày tỏ.
Theo bà Hoa, việc dạy trẻ nhỏ có nhiều niềm vui nhưng cũng rất cực nhọc nhất là những lúc trẻ quấy khóc. Khi đó, với kinh nghiệm của mình, bà Hoa cho rằng các bảo mẫu nên kìm chế cơn giận, nhờ bảo mẫu khác trông coi, hoặc bỏ đi 1-2 phút. Sau khi bình tĩnh, các bảo mẫu quay lại tiếp tục chăm sóc trẻ. Đừng để cảm xúc nóng giận nhất thời, chi phối suy nghĩ rồi gây ra hành động không chấp nhận được.
Nói thêm về Mái ấm Hoa Hồng, bà Hoa cho rằng cách chăm sóc, nuôi dưỡng của các bảo mẫu cũng chưa đúng. Nhiều lần tới thăm cháu, bà Hoa chứng kiến bảo mẫu dùng một chiếc muỗng để đút thức ăn cho cả gần 10 bé. Việc làm này là mất vệ sinh cũng như dễ lây lan bệnh nếu một trong số các em bị ốm.
Là người sống sát vách cơ sở, ông Lê Triệu Phong (50 tuổi, ngụ quận 12) cho biết cơ sở hoạt động kín bên trong, ông không hay biết về việc trẻ em bị bạo hành.
"Thường ngày thấy các bảo mẫu mặt mũi hiền lành, tôi không nghĩ các cô lại đánh đập các cháu như thế. Sáng nay công an tới đông, tôi hỏi mới vỡ lẽ, cảm thấy bất ngờ, xót xa quá", ông Phong nói.
Trước đó báo chí phản ánh về việc Mái ấm Hoa Hồng như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này. Theo đó, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ mồ côi, trong đó có cả trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra. Nhà chức trách đang thu thập tài liệu, chứng cứ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.