“Liên bộ Tài Chính- Công Thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức xem doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhận được bao nhiêu đồng? Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt”.
Đó là một trong những nội dung trong đơn kiến nghị mà các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu vừa gửi Thủ tướng vào hôm nay, 14-3.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa.
Người dân đổ xăng tại một cây xăng Petrolimex ở Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG |
Theo ông Tây, trong cơ cấu giá cơ sở, chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.
Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên DN đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để, hưởng gần như hầu hết phần chi phí này.
"Họ phân chia cho DN bán lẻ theo dạng “ban phát”. Đó là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, DN bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh” - ông Tây nhấn mạnh.
Trong đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Hùng Việt, Giám đốc DNTN Nguyễn Hùng Việt (Sóc Trăng) cũng chia sẻ: Thực tế, DN bán lẻ không phải nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của DN đầu mối mà DN bán lẻ đã phải bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là DN đầu mối hoặc thương nhân phân phối để kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng.
“DN bán lẻ mua hàng của DN đầu mối theo dạng mua đứt bán đoạn và có nhiều tháng thù lao bằng 0 đồng, thậm chí là âm, nên về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Như vậy DN bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định” - nội dung đơn của các DN bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng nêu rõ.
Từ những thực tế nêu trên, các DN bán lẻ đề nghị Liên bộ Tài Chính - Công Thương thành lập Hội đồng để phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức này. Trong đó, liên bộ cần nêu rõ DN bán lẻ nhận được bao nhiêu từ khoản này.
Các DN cũng đề nghị mức chi phí trên cần được quy định cụ thể trong Nghị định mới và làm cơ sở để truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị "chiếm" trong thời gian qua.