Người trẻ thời kinh tế khó khăn: Không sợ thất tình, chỉ sợ thất nghiệp

An Thanh| 22/02/2024 16:57

Đầu năm, nhiều bạn trẻ rải CV khắp nơi nhưng không nhận được phản hồi. Nhiều người chấp nhận làm trái nghề, các công việc thời vụ, bán thời gian hoặc tranh thủ học thêm kỹ năng mới chờ cơ hội đến.

Nhiều người, ít việc

Sau Tết, thường là thời điểm các công ty tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, năm nay, nền kinh tế chưa phục hồi khiến công cuộc tìm việc làm của các bạn trẻ, các bạn sinh viên, cử nhân mới ra trường,... trở nên khó khăn hơn. Nhiều bạn có kinh nghiệm cộng tác, làm việc từ thời sinh viên vẫn trượt tuyển dụng.

z5181924231813_d07b5ff2586edfd20cc0a5746e45a554(1).jpg
Tìm việc làm thời điểm đầu năm trở nên khó khăn với các bạn trẻ.

“Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người xin nhưng hầu như công ty nào cũng đang có ít công việc, họ chỉ tuyển những ứng viên có tay nghề cứng, có kinh nghiệm làm việc để đỡ mất chi phí và thời gian đào tạo”, Nguyễn Ngọc Kim Thoa (cử nhân trường Cao đẳng FPT Polytechnic TP.HCM) chán nản nói sau một thời gian ròng rã kiếm việc.

Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế, có một ít kinh nghiệm làm cộng tác viên thiết kế đồ họa trong những năm đi học, nhưng sau mấy tháng liên tục gửi CV cho nhiều công ty, Kim Thoa vẫn chưa tìm được công việc ổn định.

“Mình gửi CV từ trước Tết, đợi mãi nhưng vẫn không bên nào hồi âm. Mình có thử gọi điện hỏi một số nơi mà mình đặt hi vọng rất nhiều thì nhận được câu trả lời là kinh nghiệm của mình không đủ để đáp ứng cho vị trí họ ứng tuyển, họ cần những người có kinh nghiệm lâu năm để có thể bắt tay vào làm việc ngay hoặc là bên họ nhận được rất nhiều CV cho cùng một vị trí nên phải sàng lọc và sẽ liên lạc lại cho mình sau. Nói thế thôi chứ đến giờ mình vẫn chưa thấy ai liên lạc lại cho mình cả”, cô bạn chia sẻ.

Thời gian dài không kiếm được việc làm, cô bạn chọn làm công việc part-time cho một cửa hàng đồ ăn nhanh để có thêm thu nhập. Song, Thoa thừa nhận, áp lực do không kiếm được việc làm khiến tinh thần của cô bạn luôn trong trạng thái căng thẳng và mệt mỏi.

“Nhìn các bạn cùng lứa với mình, vừa ra trường đã có việc làm, khiến mình cảm thấy bất an vô cùng. Tết vừa rồi, mình không có việc làm nên không có tiền biếu bố mẹ, nhìn bạn bè khoe tiền, khoe quà biếu bố mẹ rồi khoe lên mạng xã hội mà mình muốn trầm cảm. Hơn hết, mình sợ nhất là năm nay lại tiếp tục thất nghiệp, nếu mà thế thật chắc ngày tháng sau này của mình sẽ đen tối lắm”, Thoa thở dài nói.

Áp lực từ nhiều phía

z5182463424254_c58db6a4f0c9684bf219ff12952a1d60.jpg
Với nhiều bạn trẻ, ưu tiên hiện giờ là tìm được việc làm.

Hoàn thành chương trình học cũng gần một năm nhưng con đường sự nghiệp của Vũ Cát Tường (cử nhân trường Đại học KHXH và Nhân văn ĐHQG TP. HCM) vẫn đầy gian truân khi chưa tìm được bến đậu cho 4 năm đèn sách. Ôm tấm bằng Ngôn ngữ học loại khá nhưng hồ sơ xin việc đã bị gần 30 nơi gác xó. Không chỉ gửi CV qua email của các công ty, Cát Tường còn gửi CV cho những công việc cô bạn tìm được trên các website tuyển dụng.

“Mình cố gắng chuẩn bị CV riêng phù hợp với yêu cầu của từng nơi tuyển dụng. Dù vậy nhưng đến nay mình vẫn chưa nhận được email trúng tuyển nào. Có phản hồi thì cũng là email từ chối, hẹn lần sau, đa phần là không có phản hồi nào”, Cát Tường thở dài khi nhắc đến đống CV xin việc cô bạn đã gửi đi.

Học chuyên ngành ngôn ngữ, cô bạn có nhiều lợi thế về khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác. Trước đó, trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, không ít lần Cát Tường có cơ hội làm cộng tác viên content cho các trang báo điện tử hoặc các website.

Lần gần nhất, cô bạn làm cộng tác viên cho một website dạy nấu ăn, song, do cảm thấy mức lương không đáp ứng được nhu cầu của mình, Cát Tường quyết định xin nghỉ để tìm công việc tốt hơn. Nhưng điều không ngờ tới là sau nửa năm tìm việc mới, cô bạn vẫn thất nghiệp.

“Bố mẹ ở quê thì lo lắng, mình trên thành phố thì áp lực. Ra trường cả năm rồi mà vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ khiến mình cảm thấy xấu hổ lắm. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, chưa kể những hôm rong ruổi cùng bạn bè rồi đám cưới bạn bè,... đủ thứ tiền mà bản thân thì chưa có công việc ổn định, nhiều lúc mình cảm thấy khó thở vô cùng. Hiện giờ, mình thấy thất tình không đáng sợ bằng thất nghiệp”, cô bạn ngậm ngùi kể.

Có bằng nhưng thiếu kinh nghiệm

Tốt nghiệp loại khá ngành Quan hệ công chúng, Ngô Quỳnh Nhi (cử nhân trường Đại học Văn Hiến) vẫn đang loay hoay vì chưa tìm được công việc ổn định. Biết rằng, các nhà tuyển dụng hiện nay chú ý vào kinh nghiệm làm việc, thế nhưng, trong suốt thời gian học Đại học, Quỳnh Nhi chỉ tập trung vào các kiến thức trên trường và làm thêm những việc bán thời gian tại các quán cà phê nên bản CV của cô hoàn toàn trống trơn.

“Mình gửi CV cho nhiều nơi lắm, đếm không xuể luôn. Nhưng những lần hiếm hoi người ta gọi điện phỏng vấn, câu đầu tiên mình được hỏi là “em có kinh nghiệm làm việc ở đâu chưa”, tới đây là mình tự hiểu là mình trượt rồi”, Quỳnh Nhi thở dài.

Có những ngày ngồi trong phòng trọ, nghĩ về tương lai của mình, cô bạn không khỏi cảm thấy áp lực và khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Dẫu vậy, nhận thức được những thiếu sót của bản thân, cô bạn cố gắng vực dậy tinh thần để tiếp tục chiến đấu.

“Sắp tới mình sẽ xin làm cộng tác viên cho các câu lạc bộ, hoặc các tổ chức phi lợi nhuận để học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm. Mình cũng sẽ học thêm tiếng anh, hi vọng, mình sẽ sớm tìm được công việc ổn định trong năm nay”, Quỳnh Nhi bộc bạch.

Nhận định được khó khăn của tìm việc làm trong thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều cử nhân chấp nhận làm việc trái ngành, kể cả những công việc part time; có bạn tranh thủ lúc thất nghiệp để học thêm kỹ năng, ngoại ngữ,để tồn tại qua "kiếp nạn" với hy vọng năm nay cơ hội việc làm sẽ khởi sắc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người trẻ thời kinh tế khó khăn: Không sợ thất tình, chỉ sợ thất nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO