Có thể bạn đã biết: IQ của người bình thường là 120 điểm, mức IQ của thiên tài là 145 điểm và IQ của Einstein là khoảng 160 điểm. Tuy nhiên, cậu bé Hi Hi 11 tuổi (Trung Quốc) từng được kiểm tra và đạt đến mức 135 điểm trong bài kiểm tra IQ. Chỉ có 3% đến 5% người bình thường có mức IQ như vậy. Nhưng khi đi học, Hi Hi vẫn đứng cuối lớp, các giáo viên trong trường cho rằng em có vấn đề về trí tuệ. Nguyên nhân là gì?
Được biết, mẹ của Hi Hi là Chu Lệ đến từ Trùng Khánh, sau khi kết hôn đã cùng chồng chọn Thượng Hải để phát triển sự nghiệp. Chồng chị là giám đốc điều hành của một công ty, công việc đang tiến triển tốt. Cả hai đều bận rộn nên không có nhiều thời gian dành cho con cái, phần lớn là do bảo mẫu chăm sóc. Dù vậy, cậu con trai vẫn ngoan ngoãn, lễ phép.
Ảnh minh họa
Đáng nói, sau khi vào tiểu học, điểm số của Hi Hi càng ngày càng thụt lùi. Từ lớp 2 đến lớp 4, cậu bé liên tục đứng cuối lớp. Giáo viên nói với gia đình, đứa trẻ có thể nghe giảng nhiều nhất là 10 phút, sau đó sẽ chơi bút, thước suốt buổi hoặc ngồi trống rỗng, không biết giáo viên đang nói cái gì.
Không chỉ vậy, Hi Hi thường không nộp bài tập về nhà, nhưng cậu bé nói rằng không phải mình cố ý ngó lơ mà là cậu không hề biết giáo viên đã giao những bài tập này. Nghe con trai giải thích, Chu Lệ không nói nên lời.
Đánh mắng không hiệu quả, chị bắt đầu theo dõi con trai làm bài tập. Chu Lệ dần dần nhận ra một vấn đề, khi làm bài tập, con trai luôn cầm bút nhưng không viết, có khi chỉ viết được 2 chữ trong nửa giờ.
Lúc này, số lần điện thoại phàn nàn của giáo viên cũng tăng lên, ban đầu là mỗi tuần 1 lần, sau đó phát triển thành mỗi ngày 1 lần. Nội dung cuộc gọi hoặc là Hi Hi gặp vấn đề ở trường, hoặc điểm số kém, hoặc không vâng lời trong lớp khiến giáo viên khó chịu. Tranh chấp với các bạn cùng lớp cũng thường xuyên xảy ra, có lần Hi Hi một mình đánh nhau với 8, 9 đứa trẻ, khi hỏi tại sao, cậu nói: "Con không để ý khi bạn chào. Họ nói con xem thường mọi người".
Cha của Hi Hi sau này tâm sự với báo chí: "Khi đó, tất cả mọi người trong trường tiểu học ở Thượng Hải đều coi thường tôi và con trai, không chỉ giáo viên, các bạn trong lớp, thậm chí cả phụ huynh học sinh. Tôi nghĩ môi trường đó thực sự không phù hợp với con trai tôi nữa". Hai vợ chồng quyết định trở về Trùng Khánh. Người mẹ nghỉ làm và tập trung chăm sóc con trai. Hi Hi được gửi đến trường tiểu học trọng điểm cấp huyện ở Trùng Khánh, nhưng điểm của cậu bé vẫn luôn đứng cuối lớp.
Giáo viên nói thẳng với người mẹ: "Chị nên đưa con đi kiểm tra chỉ số IQ". Trong lòng chị có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nghĩ đến thành tích của con trong suốt chặng đường vừa qua, chị đồng ý.
Hóa ra đứa trẻ có IQ cao lại mắc chứng ADHD
Người mẹ đã đưa con trai đến bệnh viện nhi để kiểm tra chỉ số IQ. Hi Hi đã hoàn thành "Thang đo trí thông minh Wechsler" và kết quả thật bất ngờ: Số điểm là 135 điểm!
Điều này cho thấy Hi Hi không những không mắc chứng thiểu năng trí tuệ mà còn là đứa trẻ hiếm hoi có chỉ số IQ cao. Sau khi bác sĩ xem kết quả, kết hợp với mô tả của Chu Lệ, ông đã kiểm tra Hi Hi xem có bị ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) hay không. Hóa ra đứa trẻ mắc chứng này thật.
Sau khi uống thuốc chỉ hơn 1 tuần, tình trạng của Hi Hi đã phần nào cải thiện. Cậu bé chủ động trao đổi với bác sĩ về những thay đổi của mình: "Bây giờ con có thể lắng nghe cả lớp mà không bị phân tâm. Thầy cô và các bạn cùng lớp có thái độ khác nhau đối với con sau khi biết kết quả. Con tự tin hơn trước".
ADHD là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến hành vi hoặc sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ bị ADHD thường có các dấu hiệu sau đây trước khi trẻ được 7 tuổi: Mất tập trung; Hiếu động quá mức; Bốc đồng. Nhiều trẻ mắc ADHD không giải thích được lý do trẻ cảm thấy mất kiểm soát hoặc rất cô đơn. Bệnh trạng này thường xảy ra ở bé trai hơn bé gái.
Ông Trần Lý, Phó trưởng Khoa Sức khỏe Nhi, Bệnh viện Nhi trực thuộc Đại học Y Trùng Khánh cho biết: 80% nguyên nhân gây ra chứng ADHD ở trẻ em là do di truyền, không chỉ cả cha và mẹ đều có thể truyền bệnh cho con mà còn có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Một phần nguyên nhân khác xuất phát từ bệnh lý của mẹ khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh, sinh non, sử dụng một số thuốc. Đặc biệt, vấn đề giáo dục gia đình như gia đình ly hôn, gia đình đơn thân, phương pháp nuôi dạy con không đúng cách, cha mẹ có tính cách trầm cảm, bốc đồng... cũng gây ra chứng ADHD. Ngoài ra, phương pháp giáo dục ở trường không phù hợp và các yếu tố bất lợi khác có thể là nguyên nhân khởi phát hoặc kéo dài các triệu chứng.
Bác sĩ Trần cho biết, các phương pháp hiện nay chủ yếu là điều trị bằng thuốc và trị liệu hành vi. Trong đó, trị liệu hành vi đóng vai trò quan trọng. Bác sĩ sẽ yêu cầu phụ huynh và giáo viên tham gia các khóa học liên quan để có thể tránh được sự phân biệt đối xử, trừng phạt thân thể hoặc các hình thức giáo dục thô bạo khác trong quá trình giáo dục.
Người lớn cần cho trẻ thêm sự kiên nhẫn, quan tâm và khuyến khích. Cách thức chăm sóc của cha mẹ, sự chấp nhận và cái nhìn tích cực, yêu thương cũng là yếu tố cần thiết để cha mẹ đồng hành cùng con.
Về việc trị liệu hành vi cho trẻ em, các khóa học điều trị được thiết lập chủ yếu xoay quanh việc để trẻ đối mặt với hoàn cảnh của chính mình, cách làm tốt việc tự lập kế hoạch và tự tổ chức trong cuộc sống. Ví dụ, bắt đầu từ việc sắp xếp cặp sách và phòng học, rèn luyện tính lý trí và khả năng tập trung của trẻ.
Khi cha mẹ thấy con có các biểu hiện lăng xăng, hiếu động, kém chú ý cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, tâm thần nhi. Phụ huynh không nên tự chẩn đoán hay cho trẻ uống thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ.
Theo Phụ nữ Việt Nam