Kể từ năm 1990, sông Tô Lịch trải qua nhiều cuộc "hồi sinh" bằng những phương pháp thử nghiệm của các tổ chức quốc tế và trong nước, khi Hà Nội kỳ vọng con sông này thoát khỏi số phận "sông chết".
Gần đây nhất vào tháng 6, UBND Hà Nội cho biết thành phố giao Sở TNMT phối hợp cùng sở ngành và một số chuyên gia nghiên cứu, triển khai xây dựng đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô, nhất là sông Tô Lịch.
Nhưng cho đến khi kế hoạch trên được thực hiện, hàng trăm công nhân vẫn đang hàng ngày vớt rác, giảm thiểu ô nhiễm trên sông bằng cách thủ công với mong muốn sông Tô bớt hôi thối trong những ngày nắng nóng, người dân đỡ than phiền về thứ mùi ngai ngái khi đi dạo dọc con sông này.
Dưới cái nóng gay gắt của mùa hè miền Bắc và dòng sông Tô Lịch đang bốc mùi, một phụ nữ cao dong dỏng, hai tay cầm cây sào dài chừng 3m có gắn móc sắt thoăn thoắt vớt rác trên sông.
Với 3 lớp khẩu trang trên mặt để ngăn cho thứ mùi hôi thối không xộc thẳng vào mũi, chị lau vội mồ hồi trên trán mỗi khi thấm mệt.
Đó là Lương Thị Loan (28 tuổi), công nhân của Xí nghiệp thoát nước số 1. Loan gần như là người trẻ nhất trong nhóm công nhân đang làm việc trên sông, vừa mới vào làm được gần hai năm.
Giữa trời nắng, Loan vẫn mặc đủ loại đồ bảo hộ như áo phao, găng tay, ủng… Mồ hôi tứa ra như tắm, thấm ướt tấm áo nữ công nhân khi trời dần về trưa, nhiệt độ tăng dần.
"Tất cả vì an toàn cho bản thân, nếu chẳng may ngã xuống sông đã có áo phao; còn đeo ủng là để bảo vệ khi giẫm trúng vật sắc nhọn", Loan nói khi được hỏi về nguyên nhân mặc toàn đồ hấp nhiệt giữa tiết trời mùa hè nắng như đổ lửa.
Dù đã mặc kín đồ bảo hộ khi làm việc, Loan kể trong một lần cố nhấc miếng gỗ ra khỏi dòng sông đen thui, chị vẫn bị đinh gỉ đâm toạc gang tay ở giữa ngón cái và ngón trỏ, phải đi tiêm phòng uốn ván.
Đó chỉ là một trong số nhiều tai nạn nghề nghiệp mà Loan cùng các đồng nghiệp thường gặp phải khi làm công việc vớt rác trên con sông ô nhiễm nhất Hà Nội này.
Đưa mái chèo điều khiển chiếc thuyền nhỏ tiến về gầm cầu vượt Cầu Giấy, người phụ nữ trẻ cho biết đây là một trong những điểm tập trung nhiều rác nhất của sông Tô Lịch bởi lượng người lưu thông qua cầu lớn, nhiều người tiện tay vứt thẳng rác xuống sông. Ngoài ra, một phần dòng chảy bị ống cáp viễn thông chặn, rác không thể chảy về phía hạ lưu.
Với vóc dáng nhỏ bé cùng cây sào dài gấp đôi người, Loan lần lượt kéo từng đống túi bóng, hộp đựng đồ ăn, rác thải mắc kẹt trong những đám bùn trên sông. Có lúc, những thứ chị vớt lên thuyền không phải rác thông thường, mà là bàn thờ bị người dân vứt xuống sông, bàn ghế cũ…
Sau 4 tiếng làm việc buổi sáng, chiếc bao tải đựng rác cứ thế phình to rồi chật ních, hết bao này đến bao khác chất đầy chiếc thuyền.
Khi xung quanh trở nên sạch hơn vì rác đã được vớt hết cũng là lúc mặt Loan đỏ ửng như gấc chín. 3 chiếc khẩu trang vừa thay lại ướt sũng mồ hôi. Tay run không chèo vào bờ được, nữ công nhân ngồi nghỉ luôn trên thuyền rồi lúc sau mới tìm cách vào lại bờ để ăn trưa.
"Công việc của tôi chia thành hai ca, buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, ca chiều từ 14h đến 17h. Những ngày trời nắng, đứng trên thuyền vớt rác chẳng khác nào trong lò sưởi vì nắng từ mặt trời chiếu xuống, rồi mùi từ mặt sông bốc lên, nóng từ hai bên bờ kè hấp hơi nóng vào", Loan kể.
Nữ công nhân vệ sinh môi trường cho biết ngày đầu mới đi làm, chị lóng ngóng để di chuyển con thuyền trên dòng sông. Thuyền cứ thể quay tít, không tiến cũng không lùi được. Ngoài ra, tiếp xúc với con sông đen xì với đủ loại rác thải hôi thối khiến chị ám ảnh.
Nhưng được các đồng nghiệp trong xí nghiệp động viên và giúp đỡ tập cách chèo thuyền, Loan dần thích nghi và quen việc, có thể một mình vừa chèo vừa vớt rác trên sông Tô Lịch sau hơn 2 tháng thử sức. Cùng với đó, việc gia đình nhà chồng có 3 đời làm công việc dọn dẹp rác trên sông Tô Lịch cũng là động lực để chị quyết định gắn bó với công việc này.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong khi làm việc, Loan cho biết việc dọn rác trên sông đòi hỏi công nhân phải có sức khỏe tốt vì hai tay liên tục vận động để đẩy thuyền, vớt rác. Chưa kể mùi hôi thối xộc lên có thể gây choáng với những người chưa quen.
"Đơn vị tôi làm việc phụ trách vớt rác ở đoạn sông dài khoảng 7,5km, chảy qua nhiều khu chợ, đông dân cư nên lượng rác mỗi ngày rất lớn. Những khu tập trung nhiều rác là cầu vượt Cầu Giấy, các khu cầu Dịch Vọng, Yên Hòa hay chợ Ngã Tư Sở", Loan nói.
Với đặc thù khu vực này, rác dưới sông chủ yếu là túi nilon, vỏ hộp đựng thức ăn, vỏ lon nên khó tiêu hủy. Nếu không có người vớt thường xuyên, rác có thể tụ về một điểm gây tắc nghẽn dòng chảy.
Cách chỗ làm việc của Loan gần 1km về phía hạ lưu, ông Đinh Công Chung (59 tuổi) cũng loay hoay cùng đồng nghiệp kéo đoạn dây điện chìm sâu dưới đáy sông lên thuyền giữa trưa nắng. Chiếc thuyền liên tục chao đảo, chực chờ lật.
Khác với Loan là nữ công nhân trẻ mới vào nghề, ông Chung đã có 30 năm gắn bó với công việc này, từ những ngày còn trẻ.
Nhớ lại trước năm 1990, ông cho biết sông Tô Lịch chỉ có một "nhược điểm" là nhiều bèo, nhưng nước rất trong và cá có thể sinh sống. Nhưng kể từ khi Hà Nội bắt đầu phát triển, lượng rác và nước thải chảy về sông ngày càng nhiều khiến dòng sông dần trở nên ô nhiễm, đen xì và bốc mùi hôi thối.
Từ đó mới sinh ra một nghề gọi là công nhân vớt rác, chính là công việc mà ông cùng các đồng nghiệp đang làm.
Công việc vớt rác, nạo vét sông Tô Lịch vất vả, khó khăn là vậy nhưng ông Chung chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tìm công việc khác. Những lúc nản lòng nhất, có một thứ động lực níu chân ông với nghề này, đó là suy nghĩ bản thân đang góp phần giúp thành phố trở nên sạch đẹp hơn.
Có cùng suy nghĩ ấy, bà Nguyễn Thị Duyên (57 tuổi), công nhân của Xí nghiệp thoát nước số 1, đã gắn bó với công việc này suốt nhiều năm qua. Mùa hè sẽ là thời điểm làm việc vất vả nhất bởi càng nắng nóng, thứ mùi từ rác thải dưới sông bốc lên càng khó chịu.
"Những ngày nóng đỉnh điểm, tôi và nhiều công nhân khác chỉ cần làm khoảng 40-50 phút đã cảm thấy tức ngực, khó chịu, phải tìm chỗ thoáng nghỉ vài phút thì mới có thể tiếp tục công việc. Nhiều hôm mệt quá, tôi bị tụt huyết áp rồi hoa mắt, chóng mặt, khó thở. Có lần còn ngất xỉu may mà được mọi người phát hiện", bà Duyên kể.
Nữ công nhân cho biết nếu thời tiết bên ngoài trời là 38-40 độ C, mặt bờ kè dọc hai bên sông có thể hấp thụ nhiệt tạo ra cái nóng trên 50 độ C khiến công việc của bà vốn đã vất vả lại càng trở nên khó khăn gấp bội.
Còn ông Phạm Văn Hảo, công nhân tổ duy trì số 8 thuộc Xí nghiệp Thoát nước số 1, khẳng định các công nhân phải "đội nắng thắng mưa" làm việc đủ 365 ngày/năm để đảm bảo lòng sông luôn sạch, không tắc nghẽn.
"Những ngày lễ, Tết, chúng tôi phải chia ca trực, làm việc liên tục. Những ngày đó nhìn người ta đưa gia đình đi chơi, mua sắm còn mình cặm cụi với dòng nước thải đen ngòm, hôi thối, nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng", ông tâm sự.
Cũng vào dịp Tết, lượng rác thải đổ về sông Tô Lịch rất lớn bởi nhiều người dọn nhà có đồ đạc cũ họ mang ra đổ thẳng xuống sông. Khối lượng công việc của ông Hảo cùng các đồng nghiệp cũng vì vậy mà trở nên nặng nề hơn.
Nhiều người còn đổ trộm vật liệu xây dựng ra khu vực bờ kè khiến việc dọn dẹp của các công nhân gặp nhiều vất vả.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết sông Tô Lịch là dòng sông lịch sử, nhưng những năm 1990 trở lại đây dòng sông bị ô nhiễm nặng nề.
Thời gian qua, Hà Nội đã có một số giải pháp để cải tạo, chống ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn.
Hiện, thành phố triển khai dự án cải tạo, thu gom nước thải dọc hai bên sông Tô Lịch để tách nước thải ra khỏi lòng sông. Sau đó, nước thải được đưa trực tiếp về nhà máy nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) ở phía hạ lưu của dòng sông, nhằm xử lý đảm bảo đủ sạch trước khi đưa ra môi trường.
Song, quá trình xây dựng hệ thống thu gom nước thải cho sông Tô Lịch đang gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ bị chậm.
Thời gian qua, đơn vị thi công đắp nhiều bờ đập trên lòng sông Tô Lịch khiến diện tích dòng chảy bị hẹp.
Phía Công ty đã đề nghị các đơn vị thi công sớm phá dỡ các đập chắn trên sông Tô Lịch để đảm bảo dòng chảy thông thoáng trong mùa mưa sắp tới.
Ngoài ra, ông Uyên lo lắng về việc khi tách hết nước thải khỏi sông Tô Lịch dẫn đến con sông bị thiếu nguồn nước. Bởi, hiện tại nguồn nước của sông Tô Lịch chủ yếu từ nước thải.
"Nước thải sau khi đã gom hết, không cho chảy ra sông Tô Lịch sẽ giảm thiểu ô nhiễm nhưng kéo theo hệ lụy là dòng sông thiếu nước, đặc biệt trong mùa khô. Chính vì vậy thành phố đang nghiên cứu một số phương án bổ cập nước cho sông", ông Uyên nói.
Thiết kế: Patrick Nguyễn
Ảnh: Nguyễn Hải