Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?)

Thúy Diễm| 07/09/2023 18:00

Tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với Tổ chức Động vật Châu Á xác định vị trí thí điểm chăn thả voi nhà tại huyện Lắk. Tuy nhiên việc chủ voi được yêu cầu chịu trách nhiệm nếu voi phá rừng gây tranh cãi.

Chủ voi, nài voi chịu trách nhiệm nếu voi nhà phá rừng

Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk đề nghị thúc đẩy tiến độ dự án Mô hình du lịch thân thiện với voi và đề nghị xác định khu chăn thả voi nhà tại huyện Lắk.

Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?) - 1

Voi nhà được đưa vào rừng để thực hiện Mô hình du lịch thân thiện cùng voi (Ảnh: Thúy Diễm).

AAF cùng Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng (Trung tâm bảo tồn voi) đề xuất thí điểm chăn thả voi tại lâm phần của Ban quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk (BQLR Hồ Lắk).

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT nhận thấy khu vực này trùng vị trí, diện tích Ban quản lý đang giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ với nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên không thể quy hoạch làm khu chăn thả voi nhà.

Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?) - 2

Việc chủ voi nài voi được yêu cầu chịu trách nhiệm nếu voi phá rừng gây tranh cãi. (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Sở NN&PTNT, việc lựa chọn khu vực chăn thả voi nhà cần đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng bền vững, vì đây là nhiệm vụ chính của Ban quản lý.

Việc chăn thả voi của các chủ voi, nài voi (người điều khiển voi) thời gian qua trong lâm phần của đơn vị đã phần nào làm suy giảm diện tích, trữ lượng rừng đặc dụng, ảnh hưởng đến kết quả cập nhật diễn biến rừng hàng năm.

Do đó, Sở đề nghị AAF, Trung tâm bảo tồn voi nghiên cứu, rà soát xác định phạm vi, quy mô khu vực rừng, đất rừng liền kề chưa có kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng tại tiểu khu 1337 của BQLR Hồ Lắk.

Kết quả rà soát báo cáo Sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương được phép thí điểm thực hiện khu chăn thả voi tại lâm phần này.

Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?) - 3

Chủ voi cho rằng khi đưa voi vào rừng, việc voi phá đổ cây, ăn cây rừng là bản năng (Ảnh: Thúy Diễm).

"Đối với chủ voi, nài voi thực hiện thả voi trong thời gian thí điểm, phải có cam kết và trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tại vị trí thả voi nhà và chịu trách nhiệm chính khi voi phá, hủy hoại rừng.

BQLR Hồ Lắk có quyền chấm dứt cho phép các chủ voi, nài voi thả voi vào lâm phần của Ban quản lý trước thời hạn kết thúc thí điểm, nếu để rừng bị xâm hại", văn bản của Sở NN&PTNT Đắk Lắk nêu rõ.

Thả voi vào rừng rồi bắt "đứng im"?

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - cho biết các đơn vị cùng AAF đang họp bàn thống nhất vị trí thí điểm chăn thả voi hợp lý nhất tại huyện Lắk.

Theo ông Hưng, việc chăn thả voi có thể theo hướng không thành lập khu riêng biệt, nài voi sáng đưa voi vào rừng và tối đưa voi về. Voi sẽ không ở lại qua đêm cũng như không bị xích chân, tránh để voi giận dữ dẫn đến phá rừng.

"Liên quan đến diện tích rừng đã giao khoán cho người dân, nếu voi phá, người dân sẽ không chịu trách nhiệm. Riêng các vùng không giao khoán, diện tích đất rừng trống, khi chăn thả, voi không có gì ăn, voi sẽ không chịu ở lại. Về lâu dài, chính quyền sẽ vận động người dân sở hữu voi, bán voi lại cho nhà nước để đưa vào bảo tồn", ông Hưng nêu quan điểm.

Là gia đình đang sở hữu 5 con voi nhà, ông Đàng Năng Long (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) chia sẻ, voi có bản năng sinh sống trong rừng và ăn hơn 100 loại củ, quả, cành lá, rễ cây trong tự nhiên. Nếu đưa voi vào rừng chăn thả làm du lịch sinh thái nhưng bảo voi "đứng im" không đụng chạm đến rừng là không thể.

Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?) - 4

Chủ voi cho rằng đưa voi vào rừng nhưng không muốn voi động chạm vào rừng là không thể (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Long cho biết thêm, về mặt sinh học, khi ở trong rừng nguyên sinh, voi bẻ gãy cành cây trên cao để ăn, sẽ có quả, hạt rơi xuống đất và những con vật trong rừng sẽ ăn những hạt này. Sau đó, chúng sẽ đào thải rải rác trong rừng và góp phần tái tạo cây rừng.

"Voi hoang dã phá rừng để sống và voi nhà vào rừng cũng buộc phải như vậy. Việc voi ăn, phá cây rừng là để sinh tồn, tương tác. Đối với yêu cầu chủ voi phải chịu trách nhiệm khi voi nhà phá rừng cần phải xem xét sao cho hợp tình, hợp lý", ông Long nêu quan điểm.

Tổ chức Động vật Châu Á lên tiếng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam - thông tin, mới đây, AAF đã có cuộc họp với Sở NN&PTNT Đắk Lắk về việc thí điểm chăn thả voi tại huyện Lắk và Sở đang phối hợp với BQLR Hồ Lắk xem xét khu vực thí điểm.

Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?) - 5

Tỉnh Đắk Lắk được tài trợ để chuyển mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Tuấn cho biết, với Mô hình du lịch thân thiện với voi đã được AAF triển khai nhiều năm nay tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, huyện Buôn Đôn, ban đầu, lãnh đạo VQG khá lo lắng, sợ voi sẽ phá rừng.

Qua thời gian, thực tế chứng minh voi vào rừng ăn các cành cây trong tự nhiên, có thể làm gãy đổ cây nhưng đó là bản năng sinh tồn và cây rừng cũng có quá trình phát triển tự nhiên sau đó.

"Nếu voi phá rừng nhiều, tôi nghĩ VQG Yok Đôn sẽ không đồng ý cho tồn tại mô hình này cho đến ngày nay. Vườn có 8 con voi đang được chăn thả tự nhiên và sống trong rừng, các nài voi sẽ đi theo voi ban ngày. Ban đêm, voi được xích với sợ dây dài cả trăm mét để voi nhà không di chuyển vào khu vực voi rừng, tránh các xung đột", ông Tuấn Bendixsen chia sẻ.

Trưởng đại diện AAF tại Việt Nam cho rằng phương án sáng đưa voi vào rừng, chiều đưa về khó khả thi, bởi mỗi ngày voi có thể di chuyển mấy chục cây số và nài voi khó có thể đưa về nổi trong ngày.

"Toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn huyện Lắk và Buôn Đôn còn voi nhà. Tại Buôn Đôn đã triển khai, riêng huyện Lắk đang đề xuất thí điểm. Theo tôi, hãy thí điểm trong một thời gian ngắn tại đây, nếu cảm thấy voi phá rừng nhiều, lập tức đưa voi ra và tính ngay phương án khác.

Điều chúng tôi mong muốn là có được một môi trường tự nhiên để voi có thể thoải mái sinh sống, góp phần vào công tác bảo tồn", ông Tuấn Bendixsen tâm tư.

Tháng 11/2022, AAF tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk 2 triệu đô la thực hiện "Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi" trong vòng 5 năm (từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026).

Toàn tỉnh Đắk Lắk còn 36 con voi nhà (trong đó, huyện Lắk 16 con và huyện Buôn Đôn 20 con). Gần 40 năm qua, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp voi nhà sinh sản thành công. Công tác bảo tồn voi được các cấp, ngành quan tâm đặc biệt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Muốn chăn thả voi trong rừng nhưng lại sợ… voi phá rừng (!?)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO