Bố mẹ tôi sinh được 5 người con. Mẹ tôi là nông dân chính hiệu, còn bố là bộ đội, sau có khoảng thời gian đi vùng kinh tế mới.
Nhiều năm về trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng xoay xở lo cho 5 anh em tôi ăn học, thoát khỏi cảnh ruộng đồng.
Bây giờ, chúng tôi đã trưởng thành. Bốn người làm trong cơ quan nhà nước, vài người có chức sắc. Một người mở công ty kinh doanh thành công, thu nhập tốt. Các con của chúng tôi cũng ngoan ngoãn, giỏi giang, nhiều cháu có công ăn việc làm ổn định. Vì thế, bố mẹ tôi rất hài lòng.
8 năm trước, mẹ tôi qua đời, để lại mình bố sống trong căn nhà cũ. Chúng tôi nhiều lần mời bố đến sống cùng mình nhưng bố không chịu, kiên quyết sống ở quê.
Bố bảo, cuộc sống ở thành phố ồn ào không hợp với bố. Bố muốn sống ở căn nhà cũ, nơi đây có anh em, làng xóm, có những kỷ niệm với mẹ, với ông bà…
Chúng tôi không thuyết phục được bố nên cũng không còn cách nào khác, chỉ đành bảo nhau thường xuyên về quê thăm nom, nhờ vả hàng xóm láng giềng quan tâm đến bố.
Ảnh minh hoạ: Anh Thắng
Được cái bố tôi tính xởi lởi, hài hước nên hàng xóm ai cũng quý. Mỗi khi chúng tôi về quê có quà, bố chỉ dùng rất ít, còn lại mang chia hết cho mọi người.
Những việc ấy, chúng tôi thấy không vấn đề gì. Thế nhưng, có một việc 5 anh em không hài lòng là từ khi mẹ mất, mỗi tháng lĩnh lương người bố hiện 86 tuổi đều đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ để chia tiền.
Lương của bố được hơn 8 triệu đồng, bố chia cho mỗi nhà 300.000 đồng. Hai em ruột thì bố cho 500.000 đồng/người.
Có lần bức xúc quá, tôi nói thẳng với bố: “Nhà mình không nghèo, nhưng con cháu cũng chưa giàu. Lương của bố, nếu không tiêu hết, bố cất đi phòng lúc ốm đau. Việc gì bố phải cho người ngoài nhiều như thế?”.
Bố tôi cười, bảo: “Bố già rồi, tiền cầm cũng không làm gì. Bố chỉ giữ lại một phần để lúc ốm đau, về già thêm vào với các con. Còn lại bố chia cho các em, các cháu và hàng xóm - những người tối lửa tắt đèn với bố mấy chục năm qua. Họ khó khăn con ạ.
Xóm mình có 10 nhà, 2 nhà khá giả thì không cần giúp nữa. Còn lại, 5 nhà có cụ già không lương hưu mà con cháu lại ít quan tâm, 1 nhà có 2 đứa con khuyết tật, 2 nhà còn lại thì lũ trẻ học giỏi mà bố mẹ chúng khó khăn. Với mình, 300.000 đồng không quá quý nhưng với họ là một khoản to.
Ngày xưa, bố đi bộ đội, rồi lại đi làm kinh tế, một mình mẹ ở nhà nuôi các con, nếu không nhờ anh em họ hàng, làng xóm hỗ trợ, chưa chắc mẹ con đã kham nổi để lo cho các con.
Giờ các con khôn lớn, thành đạt cũng là lúc bố trả ơn người ta. Việc này cũng khiến bố có thêm niềm vui lúc tuổi già. Thời gian của bố không còn nhiều nữa, bố muốn các con hiểu và ủng hộ bố”.
Nghe những lời bố nói, sống mũi tôi cay cay. Tôi nhớ lại những ngày thơ ấu, bố đi vắng, mẹ phải đổi công với hàng xóm láng giềng để lo gặt hái. Trong xóm, nhà tôi là khó khăn nhất nên bà Đa, bà Tiễn, bà Hảo… vẫn thường mang cho chúng tôi mớ rau, con tép, khi thì quả khế, quả đào tiên.
Nhiều hôm mẹ đi làm công ở xa, còn gửi chúng tôi sang nhà bác Thống. Trưa đến, bác lại tất tả sang nấu hộ nồi cơm độn khoai để mẹ đi làm về, cả nhà có cái ăn ngay.
Tình cảm làng quê ngày đó ấm áp là thế. Vậy mà, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, đã có lúc chúng tôi quên đi, giận hờn khi thấy bố giúp đỡ người khác.
Sau cuộc nói chuyện với bố hôm đó, tôi cũng phân tích lại với các anh, em của mình về chuyện bố chia tiền cho hàng xóm mỗi khi có lương. Cả 5 anh em đều hiểu ra và tôn trọng quyết định của bố.
Thậm chí, chúng tôi còn góp thêm tiền để bố tặng cho những hoàn cảnh đặc biệt trong làng. Số tiền tuy nhỏ nhưng mang đến niềm vui cho vài người. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn cùng bố lan toả những điều tốt đẹp, để con cháu nhìn vào và noi gương, để mỗi ngày thức dậy là một ngày thấy cuộc đời này còn rất nhiều điều đẹp đẽ.
Theo VietNamNet