Mối đe dọa hiện hữu gần nhất là khủng hoảng lương thực toàn cầu

Phương Hảo| 03/05/2022 19:41

Sau 2 năm khó khăn vì đại dịch Covid -19, xung đột Nga - Ukraine lại đưa thế giới đương đầu với những thách thức lớn khác. Mối đe dọa hiện hữu gần nhất là khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua, Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Nga và Ukraine. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraine cũng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Mối đe dọa hiện hữu gần nhất là khủng hoảng lương thực toàn cầu
Ảnh: Pinterest

Ngày 2/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này có thể mất hàng chục triệu tấn ngũ cốc do các cảng biển của nước này ở Biển Đen bị phong tỏa trong cuộc xung đột với Nga. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung lương thực tới Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.

Thực tế, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước đang phát triển vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất. Trong bối cảnh đó, không hề bất ngờ khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định chiến sự ở Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu”. Ông đã thành lập Nhóm ứng phó toàn cầu để giúp huy động các cơ quan của Liên hợp quốc, ngân hàng phát triển và tổ chức quốc tế khác nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là ở châu Phi.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi dỡ bỏ tất cả hạn chế xuất khẩu không cần thiết để thiết lập "dòng chảy lương thực và năng lượng ổn định" trong các thị trường mở cũng như để kiểm soát giá lương thực. Ông Guterres đề nghị tất cả các nước mở các kho dự trữ chiến lược và dự trữ bổ sung cho các nước có nhu cầu thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Báo cáo gần đây do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thực hiện cho thấy số người nghèo đói đã gia tăng đáng kể dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine lẫn đại dịch COVID-19. Theo đó, số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019.

Mối đe dọa hiện hữu gần nhất là khủng hoảng lương thực toàn cầu
Người nghèo đói ở Châu Phi. (Ảnh: Pinterest)

Ông David Beasley, Giám đốc điều hành WFP, cho biết mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là “chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”. Ông David Beasley Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho rằng thế giới sẽ nhận thấy rõ quy mô thực sự của vấn đề này vào mùa Thu.

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/moi-de-doa-hien-huu-gan-nhat-la-khung-hoang-luong-thuc-toan-cau-167517.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/moi-de-doa-hien-huu-gan-nhat-la-khung-hoang-luong-thuc-toan-cau-167517.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mối đe dọa hiện hữu gần nhất là khủng hoảng lương thực toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO