Mobile Money thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở nông thôn

22/11/2023 10:56

Mobile Money đã và đang trở thành một lực đẩy quan trọng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Đang buôn bán nhỏ ở huyện miền núi của tỉnh Lai Châu, chị Nguyễn Thị Mỵ không có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh. Hàng tháng phải chuyển tiền cho con đi học tại Hà Nội, chị Mỵ đã đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Nhờ đó, chị có thể chuyển tiền, thanh toán một cách thuận tiện trên điện thoại di động mà không cần phải xuống tận huyện để gửi tiền. Chị cho hay, nhờ Mobile Money, chị cũng giảm bớt sử dụng thanh toán tiền mặt.

Từ khi có Mobile Money, hình ảnh mã QR của Mobile Money xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa góp phần phổ cập tài chính số. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã thay đổi.

Mobile Money là dịch vụ dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ giá trị nhỏ, bắt đầu được triển khai thí điểm từ tháng 11/2021, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm cho 3 doanh nghiệp đầu tiên là VNPT, MobiFone và Viettel.

Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp - rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh, không cần kết nối Internet.

nong thon copy.jpg
Thanh toán không tiền mặt tại khu vực nông thôn. (Ảnh: HN)

Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital Trương Quang Việt cho biết, Mobile Money đạt gần 4 triệu thuê bao, mục tiêu đến hết năm 2023 đạt 5 triệu người dùng. Số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel hiện chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Đại diện nhà mạng cho hay, các lĩnh vực thanh toán, giao dịch sử dụng Mobile Money không chỉ tập trung vào chuyển tiền, thanh toán dịch vụ thiết yếu mà còn thêm nhiều tiện ích mua sắm, giải trí, phục vụ nhu cầu hằng ngày như thương mại điện tử, mua vé máy bay, tàu xe, bảo hiểm,…

Theo VNPT, tổng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money tại VNPT Money đạt gần 1,8 triệu sau gần 2 năm triển khai thí điểm. Trong đó, lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 71%, số điểm kinh doanh Mobile Money đạt gần 3.500 điểm.

Đến thời điểm này, người dùng có tài khoản Mobile Money có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp tới hơn 100 triệu tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại. Ngoài ra, VNPT Money đã tích hợp thành công tính năng chuyển, nhận tiền từ Mobile Money thông qua mã VietQR các ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Theo đánh giá, Mobile Money không chỉ là một giải pháp kinh tê số mà còn là một giải pháp xã hội số với những tác động to lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp Việt Nam, từ thành thị cho đến những vùng núi, hải đảo, giúp người dân hưởng lợi từ các hoạt động tài chính số dù ở bất cứ nơi đâu.

Mới đây, Chính phủ quyết nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) tại Quyết định số 316/QĐ- TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money như sau: "Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024".

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile Money trước tháng 5/2024.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money để các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, phát triển dịch vụ, cung cấp tới khách hàng, với mục tiêu đem lại tiện ích cho người dân, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg để phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển dịch vụ.

Bảo Anh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mobile Money thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO