Mỏ cát lên sàn đấu, giá cao gấp 200 lần: Thu thêm nghìn tỷ, sao cho ngoại lệ?

08/11/2023 08:31

Mỏ không được đấu giá, tiền Nhà nước thu về chỉ đúng bằng giá khởi điểm, làm thất thoát ngân sách từ những mỏ không được đấu giá. Khi sửa Luật Khoáng sản phải yêu cầu đấu giá tất cả các mỏ, không ngoại lệ.

Đấu giá mỏ cát, thu thêm nghìn tỷ

Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, thời gian đấu giá kéo dài từ 9h sáng 5/11 xuyên đêm đến 6h sáng hôm sau. Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả giá trong các phiên đấu lên đến gần 1.700 tỷ đồng.

Cụ thể, mỏ cát Liên Mạc thuộc địa phận các phường Thượng Cát và Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác gần 510.000 m3, giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng, bước giá đấu là 103 triệu đồng. Sau 53 vòng đấu giá, giá trúng lên đến 410 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.

Mỏ cát Châu Sơn thuộc địa bàn xã Châu Sơn (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác hơn 700.000m3, giá khởi điểm gần 2,9 tỷ đồng, bước giá đấu là 144 triệu đồng. Sau 89 vòng đấu giá, đơn vị trúng đấu giá với kết quả gần 400 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.

Mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu thuộc địa bàn các xã Minh Châu, Chu Minh và Thị trấn Tây Đằng có trữ lượng được cấp quyền khai thác gần 5 triệu m3, giá khởi điểm hơn 19,2 tỷ đồng, bước giá đấu là 965 triệu đồng. Sau 21 vòng đấu, đơn vị trúng với với giá 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.

anh mo cat 1291.jpeg
Đấu giá quyền khai thác cát mang về số tiền lớn.

Hàng loạt địa phương khác khi đấu giá mỏ cát, giá trúng đều cao hơn rất nhiều giá khởi điểm. Ví như tỉnh Phú Thọ, đấu giá thành công 32 khu vực. Tổng số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đấu giá mỏ cát trên sông Tiền với giá khởi điểm hơn 4,8 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền 56,36 tỷ đồng.

Mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò) có giá khởi điểm trên 17,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác với số tiền hơn 137,46 tỷ đồng.

Cần chế tài mạnh hơn nếu bỏ cọc

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp có nộp tiền và tiến hành khai thác không cũng là câu chuyện cần bàn tới. Thực tế từng xảy ra việc doanh nghiệp trúng đấu giá cao gấp hàng chục lần giá khởi điểm rồi “tháo chạy”.

Hồi tháng 8/2023, VietNamNet từng đưa tin UBND tỉnh Quảng Ngãi phải ký 2 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát. Đó là trường hợp Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Phú Cường. Với giá khởi điểm chỉ hơn 570 triệu đồng, kết thúc đấu giá, mỏ này được Công ty Phú Cường đấu trúng với số tiền khoảng 16 tỷ đồng, tăng gấp hơn 28 lần.

Tỉnh Quảng Ngãi dự báo trữ lượng mỏ khoảng 75.000m3, trên diện tích 4,67ha. Nhưng công ty này cho biết, kết quả khảo sát trữ lượng thực tế không như dự báo nên muốn ngừng tham gia. Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra kết luận, trữ lượng cát ở mỏ cát vẫn như dự báo.

Trường hợp khác là Công ty THC Quảng Ngãi, doanh nghiệp này đấu giá mỏ cát thôn Ngân Giang, giá khởi điểm hơn 839 triệu đồng. Đấu giá thành công, mức giá lên 44,3 tỷ đồng, tăng khoảng 47 lần. Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt, không tham gia khai thác cát với lý do "tài chính không đảm bảo".

Vì thế, nhiều địa phương và chuyên gia cho rằng phải tăng cường chế tài đối với các doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không tiếp tục thực hiện.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp bỏ mỏ cát sau khi đấu giá thành công, thay vì bị cấm tham gia đấu giá 1 năm thì cần tăng lên cấm 5-10 năm hoặc vĩnh viễn. Tiền đặt cọc cũng cần tăng lên 20-40%, thay vì 15%. Việc này nhằm tránh các doanh nghiệp không đủ khả năng vào nâng giá cao, cuối cùng lại bỏ.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công, cho rằng: Quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010, đến nay đã được 13 năm. Khi đưa vào luật quy định này, dự kiến tất cả các mỏ đều đấu giá song sau đó lại có thêm rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Cuối cùng, số lượng mỏ đấu giá không quá nhiều.

5 năm đầu tiên kể từ Luật Khoáng sản 2010 ra đời, không có mỏ khoáng sản nào đấu giá thành công, từ năm 2016 mới bắt đầu rục rịch đấu giá. Điều đáng nói, những mỏ đã đấu giá thành công thì ngân sách nhà nước bội thu vì tiền trúng đấu giá cao hơn rất nhiều giá khởi điểm. Điển hình có trường hợp cao hơn hàng trăm lần như trên.

Còn tính trung bình, ông Nguyễn Minh Đức cho hay: Tổng số tiền thu được vượt tổng giá khởi điểm đến 81%. Nếu so sánh với đất, lô đấu nào mà tiền trúng vượt giá khởi điểm 15% đã là thành công lớn.

“Những mỏ có chất lượng tốt, chi phí khai thác, vận chuyển thấp sẽ đẩy tiền trúng đấu giá lên rất cao. Đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản là cực kỳ lợi, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường”, ông Đức nhận định.

Nếu giá khởi điểm thấp nhưng cuộc đấu đủ cạnh tranh thì giá khởi điểm bao nhiêu cũng được.

Tuy nhiên, công thức tính giá khởi điểm mỏ đấu giá với công thức tính tiền cấp quyền trong trường hợp không đấu giá mỏ là như nhau.

Mỏ không được đấu giá, tiền Nhà nước thu về chỉ đúng bằng giá khởi điểm. Điều này dẫn tới việc thất thoát ngân sách từ những mỏ không được đấu giá quyền khai thác.

Vì thế, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng: Từ việc Nhà nước thu được số tiền lớn từ đấu giá quyền khai thác mỏ cát, khi sửa Luật Khoáng sản phải yêu cầu đấu giá tất cả các mỏ, không có ngoại lệ nữa.   

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mo-cat-len-san-dau-gia-cao-gap-200-lan-thu-them-nghin-ty-sao-cho-ngoai-le-2212237.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/mo-cat-len-san-dau-gia-cao-gap-200-lan-thu-them-nghin-ty-sao-cho-ngoai-le-2212237.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỏ cát lên sàn đấu, giá cao gấp 200 lần: Thu thêm nghìn tỷ, sao cho ngoại lệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO